Cán bộ Y tế tuyên truyền người dân cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Qua việc giám sát các ca bệnh trên địa bàn các huyện, thành phố cho thấy, số người mắc sốt xuất huyết trong 4 tuần qua bắt đầu có dấu hiệu gia tăng. Nắm bắt tình hình dịch bệnh trong thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động phối hợp với Trung tâm y tế các huyện, thành phố triển khai hoạt động phòng, chống dịch sốt xuất huyết theo quy định.
Ông Đoàn Lương Anh, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng: việc tăng cường giám sát dịch giúp cho các địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các ổ bọ gậy, kiểm soát được tình hình. Số ca bệnh so với cùng kỳ năm ngoái giảm trên 300 ca. Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết thời điểm này ở các địa phương lân cận đang rất phức tạp, vì vậy không thể chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố cần chỉ đạo các Trạm Y tế các xã, phường, thị trấn báo cáo UBND xã, phường, thị trấn triển khai các hoạt động tuyên truyền trong nhân dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Ngành Y tế với các cơ quan đơn vị liên quan huy động cộng đồng tham gia chiến dịch vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra và thu gom phế thải môi trường xung quanh tại các hộ gia đình…
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện đang điều trị cho gần 10 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Sau nhiều ngày sốt cao, người mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ… ông Vũ Mạnh Khang, xã An Khang (TP Tuyên Quang) đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, sau khi được các bác sỹ thăm khám và làm các xét nghiệm, ông Khang được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Cán bộ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thu thập mẫu bọ gậy tại hộ dân trên địa bàn phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang).
Bác sỹ Nguyễn Tiến Quân, Trưởng khoa Truyền Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, người bị sốt xuất huyết thường có các biểu hiện sốt cao, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ hoặc kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, buồn nôn, có thể đau vùng thượng vị và tiêu chảy… Khi bệnh nhân có đồng thời 2 dấu hiệu giảm tiểu cầu và cô đặc máu thì được chẩn đoán là sốt xuất huyết.
Từ thực tế này, bác sỹ Quân cho rằng công tác tuyên truyền về dịch sốt xuất huyết cần được tăng cường với nhiều hình thức, trong đó cần tập trung nhiều hơn về việc thông tin, hướng dẫn cho người dân nhận biết sớm các triệu chứng bệnh để chủ động đến cơ sở y tế khám, điều trị.
Để hoạt động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, hiệu quả, mỗi người dân cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong phòng, chống dịch. Trước hết, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đậy kín tất cả các dụng cụ, vật dụng chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; cọ, rửa dụng cụ, vật dụng chứa nước…
Hàng tuần, người dân cũng cần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng; ngủ màn... Đặc biệt, khi bị sốt, người bệnh phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn, điều trị; không tự ý điều trị tại nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết