Nguồn ảnh Cục An toàn thông tin.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ cơ quan nhà nước để thông báo, yêu cầu bổ sung, cung cấp thông tin cá nhân qua điện thoại. Tuyệt đối không cài đặt các phần mềm, ứng dụng theo yêu cầu của các đối tượng trên.
Khi cài đặt phần mềm giả mạo sẽ có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại, từ đó đánh cắp thông tin phục vụ mục đích phạm pháp và chiếm đoạt tài sản nạn nhân.
Các tin nhắn, cuộc gọi đến máy điện thoại của nạn nhân sẽ được ứng dụng kiểm soát, ngầm chuyển về máy chủ do đối tượng quản lý, không hiển thị trên điện thoại của nạn nhân.
Khi nhận được các tin nhắn và cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý.
Nguồn ảnh Cục An toàn thông tin.
Cũng theo Cục An toàn thông tin, thời gian gần đây, mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo Học viện Cảnh sát nhân dân - Cổng thông tin hỗ trợ giúp đỡ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng. Các đối tượng hướng dẫn nạn nhân đóng phí để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về.
Dù Cục An toàn thông tin và các cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, khuyến cáo, song vẫn không ít người “nhẹ dạ cả tin” bị “sập bẫy” và thiệt hại về tài sản.
Vì vậy, Cục An toàn thông tin kêu gọi, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.
Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan công an; không nên tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh để bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Gửi phản hồi
In bài viết