Xuất khẩu thủy sản đang gặp khó.
Vô vàn khó khăn
Là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và đang tràn trề cơ hội tăng trưởng mạnh xuất khẩu trong năm 2021, đến khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư ở thủ phủ của thủy sản là Đồng bằng sông Cửu Long, ngay lập tức, sản xuất và xuất khẩu thủy sản “xoay chiều”. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nhiều mặt hàng chủ lực đã giảm mạnh xuất khẩu trong tháng 7/2021 như tôm sụt giảm 4% so với cùng kỳ, đạt 374 triệu USD; cá tra và cá ngừ giảm khoảng 5%, đạt tương ứng 117 triệu USD và 60,5 triệu USD; mực, bạch tuộc giảm 9%, đạt khoảng 47 triệu USD...
VASEP lý giải, hiện hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường – 2 địa điểm” để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ”.
Với những nhà máy thực hiện được, thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30-50% số lượng lao động, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. Do đó, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40-50% so với trước đây. Chưa kể, nguyên liệu thủy sản huy động cho chế biến cũng chỉ đạt khoảng 40-50% do việc thực hiện giãn cách chung.
Bức tranh không nhiều màu sáng của thủy sản cũng là bức tranh chung của ngành nông sản trong nửa đầu năm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dù các doanh nghiệp đã cố gắng duy trì sản xuất “3 tại chỗ” nhưng hiện vẫn còn khá nhiều cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến nông sản, thủy sản… không đáp ứng được các điều kiện vì chi phí quá lớn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh nên phải dừng hoạt động. Nhu cầu thị trường vẫn lớn nhưng do dịch bệnh phức tạp, nhiều vùng nguyên liệu bị phong tỏa, giãn cách, việc thu hoạch, sản xuất bị ảnh hưởng nên công suất tại các nhà máy chế biến nông, thủy sản giảm còn 50%. Dự báo, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực như rau quả, thủy sản, gạo… trong nửa cuối năm sẽ tiếp tục giảm mạnh do vùng nguyên liệu không được chăm sóc.
“Công nhân lao động tại phần lớn cơ sở giết mổ, nhà máy chế biến, khu vực sản xuất nông sản phần lớn chưa được tiêm vắc xin Covid-19. Do đó khi có ca nhiễm, nhà máy buộc phải đóng cửa, tổn thất rất lớn. Dự báo, 6 tháng cuối năm, nguồn cung nông sản thực phẩm phục vụ xuất khẩu sẽ giảm mạnh”, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết.
Đáng chú ý, thị trường xuất khẩu nông sản truyền thống là Trung Quốc đang ngày càng thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Theo đó, tăng cường kiểm tra hàng hóa, khử trùng hàng hóa, phương tiện vận chuyển hàng xuất khẩu từ vùng dịch của Việt Nam; tiếp tục thực hiện quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, do đó thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu bị kéo dài, đồng thời tăng cường quản lý đội lái xe tại cửa khẩu; thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng chống dịch, bệnh Covid-19 thông qua đội lái xe chuyên trách làm tăng thời gian giải phóng hàng, đôi khi khi xẩy ra ùn ứ cục bộ. Các thị trường xuất khẩu chính gia tăng áp dụng rào cản kỹ thuật thương mại, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam…
Ở thị trường trong nước, sang tháng 8/2021, nhiều loại nông sản, trái cây như thanh long, xoài, nhãn… vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn cung ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Trong khi đó, hệ thống logistics kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn sản phẩm, vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo quản nông sản, thủy sản phục vụ bảo quản tươi và chế biến xuất khẩu.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng tập trung giải quyết khó khăn về kỹ thuật, thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics, không để ứ đọng hàng hóa trên các tỉnh biên giới với Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện chương trình bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến; thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là các nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch, thời gian bảo quản ngắn, đảm bảo đủ lương thực, thực phẩm của người dân tại các địa phương phải áp dụng Chỉ thị 16.
Duy trì chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản là nhiệm vụ trọng tâm.
Về phía Bộ Công thương, xác định đẩy mạnh tiêu thụ nông sản đến vụ thu hoạch cho bà con là nhiệm vụ trọng tâm, Bộ đã, đang và sẽ triển khai loạt giải pháp quan trọng. Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, với kinh nghiệm xúc tiến trực tuyến quả vải thiều ở Bắc Giang, Hải Dương, quả nhãn lồng Hưng Yên, tới đây, Cục Xúc tiến thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ, địa phương và doanh nghiệp, tiếp tục tổ chức xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương, đặc biệt là nông sản, thủy sản của các tỉnh khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên, đầu tiên là thanh long ngay trong đầu tháng 8.
“Định hướng trong thời gian tới, Cục sẽ xây dựng kế hoạch xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm địa phương theo nhóm hàng, chứ không riêng lẻ từng mặt hàng. Cùng với đó, Cục cũng tập trung hỗ trợ kết nối các nhà xuất nhập khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử”, ông Lê Hoàng Tài cho hay
Ở thị trường nội địa, thương mại điện tử là lĩnh vực được tiếp tục khai thác mạnh để đưa nông sản đến tay người tiêu dùng mà không gây lây lan dịch bệnh. Nà Nguyễn Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp sát sao đồng bộ với 6 sàn thương mại điện tử lớn là Sendo, Tiki, Lazada, Shopee, Voso, Postmart để đẩy mạnh triển khai thương mại nông sản qua thương mại điện tử. Trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng nội dung hướng dẫn các hợp tác xã tại các tỉnh, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử cũng như tăng cường truyền thông theo phương thức đa kênh. Đồng thời phối hợp các đơn vị liên quan để tiếp tục đưa nông sản lên tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử.
Gửi phản hồi
In bài viết