Không để người dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Không để nhân dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là vấn đề có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn là giải pháp chiến lược, cơ bản, lâu dài để nhân lên sức mạnh tổng lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giữ gìn, bảo toàn vị thế cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng và bảo vệ những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc ta dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng.

1. Lịch sử dân tộc ta đã đúc rút ra một bài học kinh nghiệm có tính quy luật: Thời kỳ nào, vương triều nào được dân tin, dân theo, dân đồng lòng, dốc sức thì hưng thịnh; ngược lại, thời kỳ nào, vương triều nào làm mất lòng dân thì sụp đổ. Nhiều bài học điển hình đã được ghi lại trong sử sách, như: “Khoan thư sức dân để làm kế sâu gốc bền rễ, đó là thượng sách giữ nước” (Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn) và “Lật thuyền mới biết sức dân như nước” (Nguyễn Trãi)... Còn nếu đi ngược lòng dân, khiến dân oán hận thì sẽ dẫn đến thất bại nhanh chóng, như trường hợp Nhà Hồ gây nên thảm họa lớn, làm mất nước, rơi vào tay giặc ngoại xâm.

Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng ta. Ảnh: chinhphu.vn

Trên cơ sở sự kế thừa tư tưởng “lấy dân làm gốc” trong lịch sử dân tộc và quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng. Người khẳng định: “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” và mỗi khi “dân khí mạnh thì binh lính nào, súng ống nào cũng không chống lại được”. Đó là một minh chứng tiêu biểu thể hiện niềm tin vào sức mạnh của nhân dân được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận một cách khoa học và phát triển ở tầm cao mới.

2. Hiện nay, các thế lực phản động, thù địch ra sức phủ nhận, chống phá, xuyên tạc, hạ bệ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thông qua âm mưu “diễn biến hòa bình”, chúng ra sức hạ bệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ly gián mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Trong thời đại công nghệ số và bùng nổ thông tin, các thế lực thù địch lợi dụng triệt để internet và mạng xã hội để xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng. Trên trang thông tin tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam và một số trang mạng YouTube, Twitter, Facebook của các tổ chức "Việt Tân", "Tiếng dân", "Hội anh em dân chủ"... thường sử dụng những thông tin, sự kiện có thật nhưng được chỉnh sửa, ngụy tạo, bóp méo, đánh tráo nhằm hô hào tụ tập đông người phản đối chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kích động dư luận, gây mất an ninh, trật tự xã hội; tuyên truyền phá hoại tư tưởng, kích động tâm lý hoài nghi với chính quyền, thổi bùng bức xúc trong nhân dân, đồng thời cổ xúy các luận điệu dân chủ, nhân quyền cực đoan, không phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam.

3. Phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và tư tưởng Hồ Chí Minh về dựa vào nhân dân để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và thành tựu của công cuộc đổi mới, Đảng ta luôn xác định “dân là gốc”, “nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới”. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng và bảo vệ Đảng.

Đảng ta luôn coi trọng phát huy vai trò của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy nguồn lực từ nhân dân để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vì nhân dân là “tai mắt” của Đảng trong xây dựng và bảo vệ Đảng. Nhân dân có vai trò như “tấm khiên” kiên cố, vững chắc, góp phần đấu tranh phản bác, đẩy lùi các quan điểm sai trái, thù địch tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng và mục tiêu, sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Để phát huy vai trò của nhân dân trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, trước hết cần phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể quần chúng (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, liên đoàn lao động, hội nông dân, hội cựu chiến binh) từ Trung ương đến cơ sở. Đa dạng hóa các hình thức tổ chức và phương thức tập hợp, vận động nhân dân; tổ chức các hội, nhóm, câu lạc bộ trong các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Các tổ chức đoàn thể quần chúng ở cơ sở với số lượng đoàn viên, hội viên đông đảo, giàu lòng yêu nước, yêu quê hương, nhiệt tình, trách nhiệm, sẵn sàng tham gia các hoạt động xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng ở địa phương cần khơi dậy, phát huy tiềm năng, sức mạnh to lớn của các tổ chức đó để góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng từ cơ sở.      

Chú trọng chăm lo làm tốt công tác vận động quần chúng, giữ yên lòng dân. Giữ được lòng dân chính là giải pháp căn cơ để dân tin Đảng, chính quyền, tin cán bộ, từ đó nhân dân luôn có ý thức cảnh giác, kiên quyết không nghe theo các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực xấu. Ý nghĩa sâu xa hơn, chính niềm tin và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ tạo nên sức mạnh đồng thanh, đồng lòng, góp phần tham gia đẩy lùi, làm thất bại các luận điệu sai trái, chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Quan tâm giáo dục, truyền bá tư tưởng của Đảng đến với người dân bằng nhiều hình thức và phương pháp đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu những vấn đề cơ bản về bảo vệ Đảng, làm cơ sở để nhận diện được các luận điệu sai trái và biết cách tham gia đấu tranh bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Đặc biệt coi trọng giáo dục thế hệ trẻ nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tin tưởng và ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng.

Làm tốt công tác định hướng dư luận. Để định hướng được dư luận đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách ở mỗi địa phương có đủ cả tâm, tầm, tài, trách nhiệm chính trị cao. Họ vừa phải đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa có nhãn quan chính trị sắc bén, tiếp nhận thông tin chính thống để xử lý, cung cấp thông tin cho phù hợp với đối tượng ở địa phương; đồng thời nắm bắt diễn biến tâm trạng, tư tưởng và dư luận nhân dân để kịp thời tác động, định hướng một cách phù hợp, hiệu quả, mang lại lợi ích tối đa cho sự nghiệp chung. 

Trong công tác thông tin tuyên truyền cần coi trọng phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”; tăng cường quảng bá, lan tỏa cái hay, cái tốt trong đời sống xã hội. Hiện nay, sự phát triển ồ ạt của các trang mạng xã hội kéo theo nhiều nguy cơ nan giải. Thông tin trên các mạng xã hội rất đa chiều, phức tạp, đan xen cả tích cực và tiêu cực. Do vậy, sau khi nhận diện, phân loại đúng-sai, tốt-xấu, hay-dở, các cấp ủy, tổ chức đảng và đoàn thể quần chúng cần hướng dẫn, động viên, khích lệ người dân tích cực tham gia tương tác, chia sẻ, lan tỏa những thông tin tích cực, tiến bộ, nhân văn; đồng thời chủ động đấu tranh, ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu độc, sai trái, gây hại cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Có thể khẳng định rằng, việc không để nhân dân đứng ngoài “cuộc chiến” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không chỉ là vấn đề có ý nghĩa cấp bách trước mắt, mà còn là giải pháp chiến lược, cơ bản, lâu dài để nhân lên sức mạnh tổng lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giữ gìn, bảo toàn vị thế cầm quyền, vai trò lãnh đạo của Đảng và bảo vệ những thành quả cách mạng vĩ đại của dân tộc ta dưới ngọn cờ vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đại tá, TS NGUYỄN VĂN KÝ, Phó chủ nhiệm khoa Lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Hậu cần

Theo Báo Quân Đội Nhân Dân điện tử

Tin cùng chuyên mục