Xã Ninh Lai (Sơn Dương) từng một thời gian rơi vào nỗi lo người nông dân bỏ đất sản xuất. Đồng chí Phùng Trọng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Lai cho biết, số lượng lao động của Ninh Lai đi làm việc tại các nhà máy ngoài địa bàn xấp xỉ con số 3.000 lao động. Tuy chưa rà soát, thống kê con số cụ thể, nhưng diện tích đất lúa không có lao động sản xuất đã diễn ra manh mún, nhỏ lẻ tại một số thôn. Ngăn chặn tình trạng đất lúa bỏ trống, trong các cuộc họp với thôn xóm, lãnh đạo xã khuyến khích những hộ không đi làm việc hoặc có đủ lao động sản xuất nhận lại phần đất của người không có nhu cầu để gieo cấy.
Vụ xuân vừa rồi, gia đình ông Tạ Xuân Đồng, thôn Hợp Thịnh mượn lại hơn 3 sào ruộng của gia đình ông Đào Xuân Vượng để gieo cấy lúa; ông Hoàng Văn Quân, thôn Hợp Hòa cũng mượn lại gần 4 sào ruộng của gia đình ông Lê Minh Hiền... Đây chỉ là 2 trong số hơn chục hộ gia đình ở Ninh Lai thuê, mượn lại đất ruộng của các hộ đi làm công nhân để sản xuất. Ông Vượng cho biết, hiện việc sản xuất nông nghiệp thuận lợi hơn nhiều so với trước. Đường ra ruộng được bê tông, mọi khâu trong canh tác cũng được cơ giới hóa nên thời gian gieo cấy, thu hoạch rút ngắn, thuận lợi để gia đình ông dù nhận thêm ruộng nhưng không quá vất vả.
Xã Sơn Nam hiện cũng có hơn 2.000 lao động đi làm việc tại các khu, cụm công nghiệp, chủ yếu là ở Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Như nhiều địa phương khác, Sơn Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ người dân bỏ ruộng, đặc biệt là bỏ làm cây vụ đông - một trong 3 vụ sản xuất chính đã góp phần đưa hệ số sử dụng đất của địa phương này lên 2,5 lần.
Người dân thôn Bản Bó, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng lạc.
Trước đây, nguồn thu từ cây vụ đông trở thành nguồn thu chính của bà con Sơn Nam, thì giờ, diện tích cây vụ đông đã giảm đáng kể. Như năm 2020, kế hoạch trồng rau màu vụ đông của Sơn Nam là trên 150 ha, thì có đến 33 ha “vỡ kế hoạch”, trong đó diện tích ngô không hoàn thành kế hoạch là 29 ha, diện tích cây khoai lang là 4 ha.
Không chỉ ở Sơn Dương, nguy cơ thiếu lao động dẫn đến bỏ canh tác trên đất nông nghiệp đã hiện hữu tại nhiều địa phương. Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra hiện tượng bỏ hoang đất nông nghiệp, nhưng đã bắt đầu có tình trạng một số thửa ruộng của bà con do thiếu lao động, thu nhập không tương xứng hoặc quá thấp so với mức thu nhập từ các công việc khác nên bà con bỏ không canh tác một vài vụ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về lâu dài, cần củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị trung gian như hợp tác xã, tổ hợp tác làm tốt chức năng dịch vụ hỗ trợ kinh tế hộ phát triển, trong đó tập trung vào các dịch vụ về làm đất, gieo cấy và thu hoạch bằng cơ giới để giảm tối đa sức lao động thủ công; khuyến khích các tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ gia đình tập trung đất đai, tạo ra những cánh đồng liền vùng liền khoảnh để ứng dụng kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất.
Đồng chí Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều rà soát, xây dựng lộ trình chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa kém hiệu quả, bị bỏ hoang sang trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi thủy sản. Từ năm 2017 trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã có gần 1,6 nghìn ha đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn cơ bản được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Nhiều vùng sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển sang nuôi thủy sản, trồng cây hàng năm cho giá trị kinh tế cao hơn từ 3 đến 8 lần. Qua đó vừa giúp giảm diện tích đất bỏ hoang, vừa khai thác tối đa thế mạnh, nguồn lực từ đất, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết