Bài cuối: Thách thức phía trước...

- Chuyển đổi số trong sản xuất nông, lâm nghiệp đã mang lại hiệu quả bước đầu, giảm thiểu tối đa được những tổn thất trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, với một tỉnh còn nhiều khó khăn như tỉnh ta và tập quán canh tác, sản xuất manh mún thì việc chuyển đổi số diện rộng vẫn còn là một thách thức.

>>Bài 1: Những bước đi đầu tiên

Manh nha và mới mẻ

Nhiều địa phương đang thực hiện chuyển đổi số với tốc độ lớn, tiêu biểu như Hà Nội và một số thành phố khác thì việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở tỉnh ta còn rất mới mẻ, khiêm tốn, tự phát, hơn nữa việc chuyển đổi này mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng. Số lượng nông hộ, HTX hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý thức hoặc đang thực hiện chuyển đổi số ở tỉnh ta rất ít.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận rằng, dù đã đạt được những bước tiến về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp nhưng tất cả vẫn còn manh nha và mới mẻ. Thực tế cho thấy ở lĩnh vực trồng trọt, phương thức sản xuất truyền thống vẫn rất phổ biến, sức lao động của con người “cày sâu, cuốc bẫm” vẫn là chủ yếu. Còn những mô hình nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ chăm sóc, tưới tự động đếm trên đầu ngón tay.

Ngay ở những mô hình, nhà màng, nhà lưới được coi là áp dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay cũng chỉ có duy nhất của Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong cả chuỗi sản xuất, còn lại các mô hình khác cũng mới chỉ ứng dụng ở một số khâu nhất định. Hay như việc sử dụng mạng xã hội để kết nối thị trường, tiêu thụ nông sản đang được nhiều tổ chức, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể khai thác nhưng tất cả cũng chỉ dừng ở khâu chào hàng, giới thiệu sản phẩm, khi người tiêu dùng muốn truy xuất nguồn gốc rất ít sản phẩm đáp ứng được yêu cầu này.  


Người dân xã Nhữ Khê (Yên Sơn) ứng dụng công nghệ tiên tiến tự động tạo oxy trong nuôi trồng thủy sản.

Thách thức lớn nữa mà ngành nông nghiệp đang đối mặt trong tiến trình ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đó là diện tích manh mún, nhỏ lẻ, tập quán và ý thức sản xuất tự do thiếu liên kết, đặc biệt là trình độ ứng dụng công nghệ của đa phần nông dân hiện nay thấp, chưa kể đến yếu tố về nguồn lực đầu tư hạn chế.

Sự manh nha, mới mẻ trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số cộng với những trở ngại trong nội tại sản xuất nông nghiệp tỉnh ta hiện nay đã dẫn đến người sản xuất mù mờ về thị trường; người tiêu dùng mù mờ về sản phẩm đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, kêu gọi giải cứu tiêu thụ nông sản trong những năm gần đây.  

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là nội dung còn mới, nhiều khó khăn nhưng đây là xu hướng tất yếu. Giải quyết tốt yêu cầu này giúp người nông dân tìm kiếm được thị trường tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn, tránh được những tổn thất làm kéo giảm sự phát triển chung.

Cần thêm “bà đỡ”

Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số trước. Theo đó, chuyển đổi số quốc gia lĩnh vực nông nghiệp xác định sẽ phát triển nông nghiệp công nghệ theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Tại Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt ban hành ngày 8-6 vừa qua cũng khẳng định, tập trung ứng dụng công nghệ trong sản xuất, từng bước xây dựng vùng nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Việt cho rằng, đích hướng đến của chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn là người dân. Có nghĩa là người dân vừa là đối tượng thụ hưởng vừa là chủ thể thực hiện chuyển đổi số nhưng nếu để nông dân tự “bơi” hay phải “dò đường” trong chuyển đổi số thì rất khó thành công mà cần bệ đỡ là cơ chế, chính sách, nguồn lực và sự đồng hành của các cấp, ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp.


Ông Vũ Hải Bảy, thôn Thọ Bằng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) ứng dụng công nghệ tiên tiến để tưới ẩm cho chè.

Với diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là 586.733 ha, trong đó có 527.651 ha đất nông lâm nghiệp, bao gồm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất trồng lúa, đất trồng cây lâu năm, cây ăn quả... và trên 80% dân số sinh sống vùng nông thôn sẽ tạo nhiều dư địa cho chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Nếu việc chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn có tiến triển tích cực sẽ góp phần thực hiện thành công chương trình trọng tâm này, nâng cao đời sống cho người dân và tạo chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Thực tế thời gian qua tỉnh đã có những chính sách để hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn phát triển và bước đầu thực hiện chuyển đổi số. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung thực hiện các chính sách giúp thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, hình thành thương hiệu đặc trưng của sản phẩm nông sản gắn với chế biến, đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Một số sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế, 79 sản phẩm của tỉnh được đăng bán trên các sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… trong đó có 9 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh được ký kết tiêu thụ với hệ thống siêu thị Big C, Vinmart và một số cửa hàng tiện ích trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn ở nhiều tỉnh, thành phố của cả nước. Tuy nhiên, để câu chuyện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thành công cần hơn những quyết sách mang tính bài bản, căn cơ từ các cấp, ngành chức năng.

Anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) cho biết, công ty đã có cơ sở vật chất ban đầu ứng dụng công nghệ cao, để chuyển đổi số thành công, tuy nhiên khép kín chuỗi sản xuất vẫn cần một nguồn lực lớn. Trên thực tế, trong quá trình sản xuất, công ty đã tìm đến các tổ chức tín dụng với mong muốn tiếp cận nguồn vốn nhưng khi kiểm tra thẩm định những thiết bị không được xác định là tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn.

Chia sẻ về thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, ông Bùi Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm công nghệ tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông cam kết hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cơ sở dữ liệu, phổ cập kỹ năng số cho doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia sản xuất chế biến nông nghiệp và người nông dân về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng “không đi không thể đến đích”. Nếu chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm, nhanh, sẽ nắm bắt thời cơ, lợi thế để tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững. Hơn ai hết, doanh nghiệp phải là đầu tầu trong chuyển đổi số để cùng người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ bền vững, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa như trong thời gian vừa qua.        

Bài, ảnh: Đoàn Thư    

Tin cùng chuyên mục