Bài 1: Những bước đi đầu tiên
Phòng chống cháy rừng bằng thiết bị viễn thám; chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; chào bán sản phẩm thông qua điện thoại thông minh... Công nghệ số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng tối đa sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Giảm hỏa hoạn từ rừng bằng thiết bị viễn thám
Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh không xảy ra các vụ cháy rừng lớn, có được điều này là nhờ tính năng ưu việt của công nghệ số. Anh Lương Xuân Trọng, cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, năm năm 2015, Chi cục Kiểm lâm tỉnh ứng dụng phần mềm cảnh báo cháy rừng (hay còn gọi là thiết bị viễn thám), với công nghệ hiện đại này, mọi thông tin, dữ liệu về rừng sẽ được số hóa vào phần mềm thông qua Internet và được kết nối với điện thoại di động của lực lượng kiểm lâm và chính quyền sở tại.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi biểu đồ cảnh báo cháy rừng từ thiết bị viễn thám gửi về.
Quá trình hoạt động thiết bị viễn thám sẽ theo dõi diễn biến rừng trên địa bàn dựa vào nguồn ảnh vệ tinh miễn phí của NASA, lọc ra các điểm nghi cháy tự động loại bỏ các điểm nghi cháy ở các vị trí không có rừng. Tại điểm nghi cháy có rừng thiết bị tự động đối chiếu với dữ liệu bản đồ hiện trạng rừng, đồng thời xác định tọa độ, địa chỉ gửi đến số máy điện thoại của kiểm lâm và chính quyền địa phương đã được lập trình sẵn. Anh Trọng khẳng định, thông tin từ thiết bị viễn thám giúp lực lượng phát hiện sớm, đánh giá chính xác nguyên nhân, kiểm soát nguy cơ cháy rừng.
Đơn cử, thời điểm 15 giờ 44 phút, ngày 21-6 vừa qua, hệ thống phát hiện đám cháy tại cánh rừng xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa). Anh Ma Công Tín, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Tân Thịnh cho biết, ngay khi tiếp nhận thông tin, trạm đã huy động lực lượng vào tận nơi điểm để kiểm tra. Kết quả đám cháy do người dân đốt thực bì, chuẩn bị cho công tác trồng rừng. Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác phòng, chống cháy rừng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng kéo dài như những ngày qua, trạm yêu cầu các hộ thu dọn, xử lý thực bì trong phạm vi an toàn nhất, kiểm soát tất cả các nguy cơ có thể dẫn đến cháy.
Cũng trong ngày 21-6-2021, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cũng nhận được hình ảnh có đám cháy tại xã Yên Lâm (Hàm Yên). Chi cục đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm Hàm Yên kiểm tra, xác minh. Kết quả kiểm tra đúng với thông tin thiết bị viễn thám gửi về.
Đồng chí Dương Văn Xy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, tỷ lệ phát hiện đám cháy qua hệ thống viễn thám chính xác đến trên 90%, nhờ thế tất cả các đám cháy trên diện tích đất lâm nghiệp được theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nguy cơ cháy rừng. Ngoài sử dụng thiết bị viễn thám, Chi cục còn lắp đặt 12 biển cảnh báo cháy rừng, cơ chế hoạt động của các biển báo cũng tự động hóa cập nhật thông tin thời tiết, nhiệt độ, số giờ nắng từ đó đánh giá nguy cơ điều chỉnh mức độ cảnh báo theo cấp độ đã được tính toán. Ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong dự tính, dự báo nên việc phòng, chống cháy rừng đã được chủ động ở mức cao nhất.
Chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng thiết bị tự động
Canh tác hơn 5.000 m2 dưa lưới vốn được coi là cây trồng khái tính nhất nhưng anh Nguyễn Việt Lâm, Giám đốc Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) vẫn thảnh thơi, có thời gian nhâm nhi cà phê, gặp gỡ bạn bè.
Ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số Công ty Green Farm, xã Kháng Nhật (Sơn Dương) giảm thiểu những bất lợi từ thời tiết, sâu bệnh hại. Ảnh: Đoàn Thư
Anh Lâm bảo, các phần việc nặng nhọc nhất như bón phân, chăm sóc, tưới nước cho cây đã được tự động hóa. Khi thời tiết nắng nóng hay mưa nhiều, thiết bị cảm biến nhiệt độ tự điều chỉnh, điều hòa chế độ tưới để đảm bảo cây dưa sinh trưởng, phát triển ổn định nhất. Được chăm sóc theo quy trình khắt khe, chất lượng dưa lưới của công ty đạt chuẩn cao nhất đi vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tầm cỡ quốc gia.
Tự động hóa quy trình sản xuất, khâu chào hàng, tiêu thụ sản phẩm anh Lâm cũng số hóa để theo dõi và giao dịch. Khi dưa đến kỳ thu hoạch thiết bị sẽ báo, hình ảnh sản phẩm được chuyển về đầu mối ký kết thu mua. Doanh nghiệp thu mua chỉ cần đánh mã số trên tem truy xuất mọi thông tin về sản phẩm gồm: Giống, quy trình chăm sóc, chất lượng sản phẩm sẽ hiển thị đầy đủ. Giám đốc Nguyễn Việt Lâm khẳng định, chuyển đổi công nghệ, người nông dân như anh không còn trông trời, trông đất chỉ cần trông số liệu, công việc này rất đơn giản và hiệu quả. Điển hình như vụ dưa tháng 5 vừa qua, công ty thu 15 tấn, nhưng các doanh nghiệp đến tận vườn để cắt, giá 27 nghìn đồng/kg, doanh thu trên 400 triệu đồng.
Cũng tại huyện Sơn Dương, công nghệ số cũng mang đến bước phát triển mới cho các trại chăn nuôi lợn. Ông Nguyễn Văn Sung, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn thôn Rộc, xã Hợp Thành cho rằng, trước đây chăn nuôi theo quy trình truyền thống, chi phí rất nhiều thuê nhân công lao động nhưng cũng không thể theo dõi hết được tổng đàn lợn. Giờ thì khác, mỗi con lợn, đặc biệt là lợn nái được đánh số, cập nhật theo dõi qua sổ nhật ký điện tử nên lượng thức ăn, sức khỏe của vật nuôi được giám sát. Đối với lợn thịt, lợn giống thương phẩm đến kỳ xuất bán, thương lái chỉ cần xem qua hệ thống camera, ưng, chốt giá, lợn sẽ được đưa ra bằng đường băng qua cân điện tử. Ông Sung khẳng định, ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi không những quản lý hiệu quả, trang trại còn kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ các phương tiện đi vào khu vực chuồng nuôi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Điển hình như lắp đặt thiết bị đo mưa tự động để cảnh báo, dự báo thiên tai; hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng; quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản... Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa rộng khắp, còn nhỏ lẻ, trình độ của bộ phận người nông dân chưa tiệm cận với công nghệ số. Đây là thách thức lớn cần giải quyết trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Đoàn Thư
Gửi phản hồi
In bài viết