Đông đảo cán bộ, người dân trên địa bàn tỉnh đến xem và thưởng thức Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TP Tuyên Quang.
Ảnh: Quang Hòa
Không gian trưng bày triển lãm bao gồm: Khu trưng bày sách, báo, tư liệu về Bác Hồ, văn hóa mảnh đất con người Tuyên Quang; triển lãm ảnh Bác Hồ với Tuyên Quang; triển lãm tranh cổ động tấm lớn về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chiếu phim tư liệu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”.
Theo đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được bài trí, sắp xếp như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ. Đây là hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” và kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ về thăm Tuyên Quang (ngày 19, 20/3/1961); 76 năm Bác Hồ trở lại Tuyên Quang lãnh đạo toàn quốc kháng chiến (2/4/1947).
Với trên 1.000 đầu sách, báo, tư liệu về cuộc đời và hoạt động sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các ấn phẩm có giá trị về mặt lý luận và thực tiễn, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hiểu sâu sắc hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, góp phần đưa tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội. Điển hình như: Búp sen xanh, Chuyện thường ngày của Bác Hồ, Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Tư tưởng Hồ Chí Minh về môi trường và bảo vệ môi trường, Chiến dịch Hồ Chí Minh giữa lòng Paris, Bác Hồ với ngành Quốc phòng, Bác Hồ với ngành Công an…
Em Nông Hồng Phúc, lớp 12A, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh chia sẻ, khu trưng bày sách giúp em có thêm kiến thức về cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người, cũng như học được nhiều bài học, rèn luyện đạo đức từ nhân cách lớn lao của Bác Hồ”.
Bên cạnh đó, khu trưng bày còn có nhiều đầu sách về văn hóa Việt Nam, văn hóa, con người Tuyên Quang. Hàng trăm cuốn sách về văn hóa giúp người đọc hiểu thêm bức tranh văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa xứ Tuyên nói riêng. Chị Nguyễn Thương Huyền, xóm 4, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) chia sẻ: “Những cuốn sách là minh chứng cho sự phong phú, độc đáo của văn hóa quê hương, giúp những độc giả như mình thêm tự hào truyền thống văn hóa cũng như ý thức rõ hơn trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh xem Triển lãm ảnh Bác Hồ với Tuyên Quang. Ảnh: Quang Lê
Một điểm nhấn đặc biệt ở Không gian văn hóa đó là khu Triển lãm ảnh với chủ đề Bác Hồ với Tuyên Quang gồm 47 tác phẩm. Các bức ảnh chân thực tái hiện sinh động hình ảnh của Người trong những năm tháng gắn bó với mảnh đất Tuyên Quang. Đó là khi người ở Tân Trào (Sơn Dương) với tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại lán Hang Bòng, thôn Bòng, xã Tân Trào từ giữa năm 1951 đến cuối năm 1952; Chủ tịch Hồ Chí Minh câu cá bên bờ sông Phó Đáy tại xã Khấu Lấu - Vực Hồ, thôn Bòng, xã Tân Trào năm 1949… Khi Người ở Kim Bình (Chiêm Hóa) với tác phẩm Chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia một số vũ điệu Quốc tế với các đại biểu trong giờ giải lao tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Kim Bình, tháng 2-1951; Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng chí Đào Duy Kỳ ở Trường Nguyễn Ái Quốc tại xã Kim Bình năm 1951…
Ông Nông Thế Hoàng, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) có dịp về thành phố Tuyên Quang đúng dịp tổ chức Không gian văn hoá Hồ Chí Minh. Ông Hoàng chia sẻ, từ những bức ảnh làm việc đến hình ảnh dung dị đời thường đều toát lên một con người vĩ đại nhưng có lối sống giản dị, ấm áp. Các tác phẩm thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào các dân tộc Tuyên Quang cũng như lòng kính yêu vô bờ đồng bào xứ Tuyên dành cho Người.
Nổi bật tại không gian sân Quảng trường Nguyễn Tất Thành là 30 mẫu cụm tranh cổ động tấm lớn về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng chí Trần Hải Quang, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết, đây là mẫu cụm cổ động đặc biệt với hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những quan điểm tư tưởng của Người trong các lĩnh vực. Từ đó góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, “lan tỏa” tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.
Bên cạnh đó, trong khuôn khổ trong đêm Khai mạc Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh còn có chiếu phim tư liệu “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”; chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ngọn đuốc soi đường”. Chương trình văn nghệ với 10 tiết mục hát múa ca ngợi Đảng, Bác Hồ; 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam; ca ngợi vẻ đẹp quê hương con người Tuyên Quang.
Một trong những “con đường” để người dân dễ tiếp cận những phẩm chất tốt đẹp của Người là văn học nghệ thuật. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là dịp để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh thể hiện tình cảm, lòng biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã gắn bó và có biết bao kỷ niệm đặc biệt sâu sắc với Tuyên Quang trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng. Đây cũng là dịp lan tỏa hơn nữa, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh gần gũi hơn với người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết