Không gian nghệ thuật sáng tạo Manzi (Hà Nội).
So với thời kỳ đầu mới xuất hiện, các không gian sáng tạo đã trở nên phổ biến và quen thuộc với giới trẻ, tạo ra nguồn cảm hứng lớn về nghệ thuật cho cộng đồng. Với những đặc điểm riêng mang tính đặc thù, các không gian sáng tạo vừa và nhỏ phân bố nhiều nơi, tạo nên mạng lưới không gian sáng tạo rộng khắp trong thành phố, hoạt động trên nhiều loại hình sáng tạo, từ thiết kế, thời trang, nhiếp ảnh, thủ công mỹ nghệ… mang lại cơ hội cho những người trẻ tiếp cận, trao đổi tri thức và khuyến khích, hỗ trợ hoạt động sáng tác của giới trẻ. Tuy nhiên, so với thế hệ đầu, các không gian sáng tạo ở Hà Nội đã thay đổi về quy mô và cách thức vận hành.
Trong bối cảnh nhiều không gian sáng tạo dừng hoạt động hoặc phải thu nhỏ quy mô, Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) trực thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam may mắn duy trì được hơn 20 năm qua. Thành lập từ năm 2002, TPD được coi là không gian văn hóa sáng tạo đầu tiên của Hà Nội. Thời gian đầu, TPD nhận được sự bảo trợ của Hội Điện ảnh Việt Nam với nguồn kinh phí xã hội hóa. Sau đó, TPD chuyển sang mô hình công ty tư nhân, tiên phong tổ chức các khoá đào tạo về điện ảnh như làm phim, biên kịch, quay phim, đạo diễn, diễn xuất, quay dựng bằng điện thoại thông minh…
Hiện nay, TPD là trung tâm chuyên tổ chức các khóa đào tạo trực tiếp và trực tuyến về điện ảnh, hỗ trợ các nhà làm phim trẻ và các hoạt động điện ảnh cho cộng đồng. Ông Nguyễn Hoàng Phương, thành viên sáng lập, phụ trách điều hành TPD cho biết: Trải qua nhiều thăng trầm, từ trung tâm của Nhà nước, chuyển sang mô hình công ty tư nhân, giờ là mô hình doanh nghiệp xã hội, TPD hoạt động độc lập và tồn tại được đến nay dựa vào việc tạo dựng được mô hình kinh doanh bền vững thông qua các khóa học, đào tạo về điện ảnh.
Bên cạnh đó TPD còn tập trung xây dựng các cộng đồng từ giảng viên, học viên, nhà tài trợ cũng như cộng đồng các không gian sáng tạo khác nhau. Mô hình kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng để các không gian sáng tạo vừa và nhỏ có thể hoạt động dài hơi. Việc liên kết giữa các không gian sáng tạo trong tổ chức các sự kiện, thực hiện dự án là hướng đi mới của các không gian sáng tạo trong tương lai.
Agohub (Hà Nội) là không gian thể nghiệm sáng tạo, kết nối các kiến trúc sư, kỹ sư, hình thành cộng đồng sáng tạo kiến trúc-xây dựng-nghệ thuật. Bằng các hoạt động và dịch vụ đa dạng, Agohub đã tạo nên một không gian học tập, làm việc, thư viện và tổ chức các chương trình trao đổi về chuyện nghề kiến trúc hấp dẫn.
Từng là địa chỉ quen thuộc với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, hiện nay Agohub dừng hoạt động tại phố Hòa Mã (Hà Nội) do chi phí mặt bằng tăng cao. Để tiếp tục duy trì, Agohub chuyển sang hoạt động trực tuyến, chia nhỏ việc tổ chức các sự kiện, chương trình và kết hợp với các địa điểm khác như Hội kiến trúc sư Việt Nam, không gian làm việc chung Toong... Thay bằng phụ thuộc vào một địa điểm cố định, Agohub xác định con người và tinh thần là yếu tố quyết định không gian sáng tạo tồn tại hay không.
Những khó khăn mà Agohub đang gặp phải là vấn đề chung của nhiều không gian sáng tạo ở Hà Nội. Phần lớn các không gian sáng tạo hoạt động được là dựa vào nguồn tài trợ cho các dự án đang thực hiện hoặc bằng nguồn kinh phí cá nhân. Để có kinh phí duy trì hoạt động và hỗ trợ nghệ sĩ, bên cạnh mô hình kinh doanh quán cà-phê, phối hợp tổ chức triển lãm, hội chợ… nhiều không gian sáng tạo sản xuất và bán các sản phẩm sáng tạo, tổ chức các sự kiện, triển khai các dự án phát triển cộng đồng, chia sẻ kiến thức và kỹ năng thông qua tổ chức tọa đàm, khóa học.
Nguồn kinh phí eo hẹp trong khi chi phí thuê mặt bằng cao, giá thuê nhà liên tục tăng, mặt bằng bị giải tỏa, pháp lý không rõ ràng khiến nhiều không gian sáng tạo phải di chuyển địa điểm hoặc hoạt động không ổn định. Trong khi đó, chính sách hỗ trợ cho không gian sáng tạo chưa nhiều, hầu hết các không gian sáng tạo vận hành và đóng thuế như các doanh nghiệp bình thường. Đây đều là những yếu tố khiến nhiều không gian sáng tạo phải dừng hoạt động.
Đứng trước nhiều thử thách từ yếu tố chủ quan và khách quan, các không gian sáng tạo luôn luôn phải tìm hướng đi mới, thử thách với mô hình và cách thức mới. Thay vì những không gian lớn, các không gian sáng tạo thu gọn với quy mô nhỏ, như: Quán cà-phê, những không gian làm việc chung, phòng chiếu phim tư nhân, thư viện cộng đồng, đồng thời tăng cường liên kết và hợp tác giữa các không gian sáng tạo khác để hoạt động.
Các sự kiện được tổ chức trong các không gian nhỏ với số lượng người tham gia vừa phải giúp các không gian sáng tạo hoạt động ổn định và bền vững hơn. Tuy chưa có những đặc điểm theo quy chuẩn quốc tế về không gian sáng tạo, nhưng số lượng không gian sáng tạo nhỏ nằm rải rác khắp thành phố, cung cấp nhiều lựa chọn về hội họa, thời trang, thiết kế, thủ công mỹ nghệ, nhiếp ảnh… tạo nên bức tranh không gian văn hóa sáng tạo sôi động của Hà Nội và đóng góp nhiều giá trị nghệ thuật cho cộng đồng. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian sáng tạo là minh chứng cho năng lực sáng tạo, nguồn lực văn hóa và đội ngũ những người làm trong không gian văn hóa khá dồi dào.
Có thể nói, cộng đồng sáng tạo gồm cá nhân và tập thể trong thành phố là nhân tố quan trọng góp phần để Hà Nội có được danh hiệu thành phố sáng tạo, trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Với những đặc điểm riêng và giá trị đóng góp rất lớn cho cộng đồng, chính quyền và các cơ quan chức năng cần có chiến lược cũng như những chính sách phù hợp, hài hoà với sự phát triển của các không gian sáng tạo ở Hà Nội, đặc biệt chính sách cụ thể trong hợp tác công tư để hỗ trợ không gian sáng tạo vừa và nhỏ theo đuổi mục đích phi lợi nhuận.
Sự vào cuộc của các nhà đầu tư, doanh nghiệp, sự hỗ trợ về tài chính trong xây dựng những không gian sáng tạo quy mô, bài bản cũng như kinh nghiệm vận hành, đào tạo kỹ năng sẽ góp phần hỗ trợ các không gian sáng tạo và cộng đồng sáng tạo hoạt động bền vững, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo và công nghiệp văn hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết