Báo cáo của UNICEF chỉ ra, toàn bộ trẻ em tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (khoảng 500 triệu trẻ) đang sống trong môi trường có chất lượng không khí không được bảo đảm. Hơn 325 triệu trẻ em phải tiếp xúc mức độ hạt bụi mịn (PM2.5) hằng năm vượt hơn 5 lần mức tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); đồng thời, khoảng 373 triệu trẻ em sống ở những khu vực có hàm lượng khí thải NO2 từ các phương tiện giao thông và hoạt động công nghiệp ở mức nguy hiểm. UNICEF cũng cảnh báo rằng khi các hiện tượng thời tiết cực đoan trở nên gay gắt hơn do biến đổi khí hậu, mối đe dọa ô nhiễm không khí có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Nhấn mạnh mọi trẻ em đều có quyền được lớn lên trong một môi trường an toàn, sạch sẽ và lành mạnh, UNICEF nhận định, các hệ lụy, tác động lâu dài của không khí độc hại đối với cuộc sống của trẻ em là đặc biệt nghiêm trọng. Việc tiếp xúc không khí ô nhiễm từ trong bụng mẹ làm tăng nguy cơ trẻ bị sinh non và nhẹ cân. Hệ miễn dịch yếu hơn người trưởng thành khiến các chất ô nhiễm có thể dễ dàng xâm nhập vào đường hô hấp và máu của trẻ, làm tăng nguy cơ nhiễm virus, vi khuẩn và các bệnh nhiễm trùng khác. Đáng lo ngại hơn, những ảnh hưởng tiêu cực có thể tiếp tục kéo dài suốt thời thơ ấu, làm suy giảm sự phát triển của phổi, giảm chức năng nhận thức và góp phần gây ra các bệnh mạn tính như hen suyễn và bệnh tim mạch đối với trẻ em.
Giám đốc khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của UNICEF June Kunugi nhận định, đối với quá nhiều trẻ em, mỗi hơi thở đều có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, gây hại cho phổi và làm suy giảm sự phát triển nhận thức của các em. Không khí ô nhiễm vượt xa mức khuyến cáo an toàn buộc các trường học phải đóng cửa, gián đoạn việc học tập của trẻ, cũng như làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cộng đồng, gây áp lực cho các hệ thống y tế vốn đã quá tải. Ngân hàng Thế giới ước tính, năm 2019, thiệt hại kinh tế do ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) trong không khí gây ra ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã lên tới 2.500 tỷ USD, tương đương khoảng 9,3% GDP của khu vực.
Để ứng phó với “kẻ giết người thầm lặng”, UNICEF kêu gọi các chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia y tế, cũng như phụ huynh và các nhà giáo dục cùng chung tay, khẩn trương hành động nhằm giảm ô nhiễm không khí và bảo vệ sức khỏe trẻ em tốt hơn. UNICEF khuyến cáo, các chính phủ cần thực thi các chính sách môi trường quyết liệt hơn, trong đó, cần đẩy nhanh chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch và bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng không khí phù hợp hướng dẫn của WHO. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần áp dụng những công nghệ sạch hơn, giảm khí thải và bảo đảm các hoạt động sản xuất đặt ưu tiên an toàn cho sức khỏe trẻ em. UNICEF cũng nhấn mạnh, phụ huynh và các nhà giáo dục đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vận động cộng đồng hành động vì môi trường trong lành hơn.
UNICEF khẳng định mong muốn hợp tác với các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng để thúc đẩy các sáng kiến giảm dần sự tiếp xúc của trẻ em với không khí ô nhiễm, bao gồm các quy định môi trường khắt khe hơn, cải thiện việc giám sát chất lượng không khí thông qua lắp đặt các cảm biến và thực hiện các chương trình giảm ô nhiễm trong nhà, như bếp nấu sạch hơn và hệ thống thông gió tốt hơn. Giám đốc June Kunugi khẳng định, những bước tiến trong tiến trình giải quyết ô nhiễm không khí sẽ đem lại nhiều cải thiện tích cực về sức khỏe, giáo dục và hạnh phúc của trẻ em, đồng thời có tác động lan tỏa đến toàn bộ nền kinh tế và xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết