Phát huy thế mạnh, cùng nhau phát triển

Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 8 về chủ đề “Hành trình đến chân trời mới của quan hệ đối tác hàng hải” đã khai mạc tại thủ đô Muscat của Oman. Là tuyến huyết mạch toàn cầu quan trọng, Ấn Độ Dương hướng tới tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm an ninh khu vực, đối phó các thách thức và phát huy thế mạnh để cùng nhau phát triển.
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 8 ở Muscat, Oman ngày 16/2/2025. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Các đại biểu chụp ảnh chung tại Hội nghị Ấn Độ Dương lần thứ 8 ở Muscat, Oman ngày 16/2/2025. (Ảnh: ANI/TTXVN)

Sự kiện này do Vương quốc Oman tổ chức với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao các nước trong khu vực như Ấn Độ, Iran, Sri Lanka, Nepal, Bangladesh, Maldives, cùng đại diện đến từ 60 quốc gia giáp Ấn Độ Dương và các nước có quan hệ với Vương quốc Oman. Diễn ra trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới có nhiều biến động, hội nghị là dịp để các quốc gia Ấn Độ Dương tìm cơ hội hợp tác và tăng cường phối hợp giải quyết những thách thức mà khu vực đang phải đối mặt, đồng thời hợp tác trong các lĩnh vực hàng hải, kinh tế và an ninh.

Trong đó, nhiều vấn đề quan trọng như bảo vệ môi trường biển, bảo đảm quyền tự do hàng hải và tăng cường khả năng của các cộng đồng ven biển trong việc giảm biến đổi khí hậu được đặt ra cấp thiết. Đây cũng là cơ hội để khám phá tiềm năng chưa được khai thác của Ấn Độ Dương, đẩy mạnh hợp tác trong nhiều khía cạnh kinh tế và an ninh với các quốc gia giáp Ấn Độ Dương. Hội nghị cũng phản ánh mối quan tâm của Vương quốc Oman trong việc tăng cường an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, hỗ trợ thương mại bền vững, phát triển các cơ chế hợp tác giữa các quốc gia, bảo đảm lợi ích kinh tế, duy trì tài nguyên đại dương và cải thiện năng lực vận tải và an ninh hàng hải.

Là đại dương lớn thứ ba trên thế giới, Ấn Độ Dương bao phủ tới 36 quốc gia với dân số 3 tỷ người. Khu vực này đang chuyển đổi và phát triển mạnh với 70% thương mại hàng hải toàn cầu đi qua. Hiện nay, các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương đối mặt nhiều thách thức như cướp biển, khủng bố trên biển, khí hậu, nạn buôn người và buôn lậu hàng hóa, nạn đánh bắt quá mức. Những thách thức liên quan các vấn đề nhân đạo như mực nước biển dâng cao và các nỗ lực cứu hộ đều đòi hỏi phải tăng cường hợp tác giữa các quốc gia. Hội nghị lần này thảo luận về các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác hàng hải, cải thiện liên kết thương mại, hỗ trợ phát triển bền vững và các vấn đề liên quan an ninh hàng hải, bảo đảm tự do hàng hải…

Các quốc gia tại Ấn Độ Dương có sự đa dạng về mặt lịch sử, địa lý, phát triển, chính trị hoặc văn hóa nhưng gắn kết với nhau bởi những lợi ích chung về an ninh, kinh tế, nhất là trong bối cảnh địa chính trị từ Tây Á đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang có sự thay đổi lớn. Hơn bao giờ hết, các quốc gia Ấn Độ Dương cần hỗ trợ lẫn nhau, phát huy thế mạnh của mình và các chính sách liên kết phù hợp để thúc đẩy phát triển, kết nối, bảo vệ lợi ích hàng hải và an ninh. Các quốc gia Ấn Độ Dương cũng phải đối mặt nhiều thách thức trong giám sát Vùng đặc quyền kinh tế và bảo vệ lợi ích đánh bắt cá, bên cạnh nạn buôn bán bất hợp pháp dưới nhiều hình thức và “bóng ma” khủng bố.

Là một trong những quốc gia sáng lập Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương (IORA), được thành lập vào năm 1997 và cũng đã tổ chức nhiều hội nghị liên quan biển và nền kinh tế xanh, nước chủ nhà Oman khẳng định coi tất cả quốc gia là đối tác để cùng chia sẻ lợi ích chung và cam kết tăng cường quan hệ đối tác toàn diện ở Ấn Độ Dương, bảo đảm chia sẻ công bằng cho mọi quốc gia, cả phía bắc và phía nam, trong an ninh và thịnh vượng của khu vực quan trọng này. Tại hội nghị, các quốc gia trên khắp Ấn Độ Dương kêu gọi tăng cường phối hợp chính sách và hợp tác để bảo đảm an ninh và ổn định, phát huy thế mạnh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, vì sự thịnh vượng chung của khu vực.

Theo Nhân Dân Điện tử

Tin cùng chuyên mục