Quyền riêng tư của người dùng trên Internet đang được ví như "mỏ dầu" quý giá của các hãng công nghệ, khi mà các công ty đang tìm mọi cách để thu thập được thông tin người dùng của mình rồi sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn để hiển thị nội dung quảng cáo phù hợp với người dùng, bán cho các công ty bên ngoài để thực hiện các dự án nghiên cứu thị trường hoặc thậm chí phục vụ cho mục đích gián điệp…
Theo một cuộc khảo sát vừa được tiến hành bởi WhistleOut, trang web chuyên so sánh các gói cước di động, viễn thông để giúp người dùng có lựa chọn phù hợp, có đến 85% người Mỹ tham gia cuộc khảo sát tin rằng ít nhất một công ty công nghệ đang theo dõi họ. Trong đó, Facebook đứng đầu danh sách những công ty khiến nhiều người lo ngại nhất, khi có đến 68% người tham gia khảo sát tin rằng Facebook đang "phá luật" để theo dõi người dùng của mình.
Đứng thứ 2 trong cuộc khảo sát là TikTok, khi có 53% người Mỹ tham gia khảo sát bày tỏ sự lo ngại với mạng xã hội này. Instagram, một mạng xã hội khác của Facebook, đứng thứ 4 trong cuộc khảo sát với 43% người Mỹ tin rằng Instagram đang theo dõi người dùng.
Các hãng công nghệ lớn khác cũng khiến nhiều người dùng tại Mỹ lo ngại, như Google (45% người tham gia khảo sát lo ngại bị theo dõi), Amazon (38%), Snapchat (37%) hay Twitter (35%)… Trong khi đó, Apple với tuyên bố luôn nỗ lực tối đa để bảo mật dữ liệu của người dùng, đã thu được khá nhiều lòng tin khi chỉ có 30% người tham gia khảo sát tin rằng Apple đang theo dõi họ.
Cũng theo kết quả khảo sát của WhistleOut, có đến 80% người Mỹ tin rằng các hãng công nghệ đang nghe lén các cuộc trò chuyện qua điện thoại của họ, trong đó, Facebook một lần nữa là công ty gây lo ngại nhất khi có đến 55% người dùng tham gia khảo sát tin rằng mạng xã hội này đang nghe lén họ qua điện thoại, TikTok xếp ở vị trí thứ 2 với 40%.
Các hãng công nghệ như Google, Apple, hay Amazon cũng khiến nhiều người dùng lo ngại có thể nghe lén họ thông qua các trợ lý ảo được tích hợp vào smartphone. Trên thực tế, cả Google, Apple và Amazon đã từng thừa nhận rằng các trợ lý ảo của họ đã thu thập thông tin người dùng thông qua các cuộc trò chuyện và những nội dung này thậm chí được nghe và phân tích bởi những con người thực sự, thay vì bằng hệ thống máy móc tự động.
Mặc dù phần lớn người tham gia khảo sát đều tin rằng các hãng công nghệ đang theo dõi họ, nhưng có đến 57% người không biết chắc rằng các công ty đang làm gì với thông tin mà họ đã thu thập, trong khi đó chỉ có 24% người tin rằng các công ty sử dụng thông tin của người dùng để hiển thị nội dung quảng cáo phù hợp.
Đáng chú ý, 2/3 người tham gia khảo sát khẳng định rằng sau khi họ nói chuyện về một sản phẩm nào đó mà chưa từng tiến hành tìm kiếm thông tin về sản phẩm trên Internet, nội dung quảng cáo liên quan đến sản phẩm đã bất ngờ xuất hiện trên ứng dụng hoặc trang web của công ty công nghệ. Đây là bằng chứng cho thấy các hãng công nghệ đã âm thầm nghe lén các cuộc nói chuyện của người dùng thông qua smartphone.
Khi được hỏi dự định sẽ làm gì để bảo vệ quyền riêng tư của mình khỏi các ứng dụng trực tuyến, 40% người tham gia khảo sát cho biết họ đã xóa hoặc ngừng sử dụng TikTok, 18% người cho biết họ đã từng bỏ ứng dụng Facebook do lo ngại về quyền riêng tư.
57% người tham gia khảo sát cho rằng ít nhất một hãng công nghệ nên bị cấm vì vi phạm quyền riêng tư của người dùng, trong đó 37% người cho rằng TikTok là ứng dụng nên bị cấm, 20% người khác cho rằng đó là Facebook và 13% lại cho rằng Instagram là ứng dụng nên bị cấm.
Gửi phản hồi
In bài viết