Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau…

- Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7) năm nay có chủ đề “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác phòng, chống mua bán người. Các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, nắm chắc tình hình, quyết liệt đấu tranh tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán trẻ em và triển khai đồng bộ hoạt động giải cứu, bảo vệ an toàn và hỗ trợ các nạn nhân.

Theo Công an tỉnh Tuyên Quang, những năm qua, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ diễn biến phức tạp khó lường. Năm 2023, tỉnh đã ghi nhận 2 vụ, 9 đối tượng thực hiện hành vi mua bán người. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận vụ án mua bán người. Trước đây, đa số nạn nhân là nữ thường bị lừa gạt, dụ dỗ bán sang Trung Quốc làm việc nặng nhọc, gái mại dâm, làm vợ bất hợp pháp.

Công an xã Trung Minh (Yên Sơn) tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn xã hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người.

Vài năm trở lại đây, bọn tội phạm đã lợi dụng triệt để mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram để làm quen, lôi kéo nạn nhân với chiêu thức “Việc nhẹ lương cao”, “Tuyển dụng lao động với thu nhập cao” để lừa nạn nhân xuất cảnh sang Campuchia, Myanmar ép làm công việc liên quan đến lừa đảo qua mạng, đánh bạc trực tuyến. Đáng chú ý, bọn tội phạm mua bán người có sự chuyển hướng hoạt động trong nội địa. Thông qua mạng xã hội, bọn chúng đăng bài tuyển nhân viên nữ rót bia, bấm bài, hát karaoke nhắm đến các thiếu nữ đang có nhu cầu tìm việc làm.

Giữa năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh phát hiện nhóm của Trần Việt Nam, trú tại thị trấn Hưng Nhân, huyện Hưng Hà (Thái Bình), Nguyễn Văn Tài và Lê Trung Quý, cùng trú tại phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) có hành vi mua bán cháu D. khi đó mới 15 tuổi, trú tại huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc). Cháu D. đã bị lừa bán để phục vụ trong các quán karaoke trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.

Thiếu tá Trần Duy Khánh, Đội trưởng thuộc Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Các loại tội phạm nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người ngày càng hoạt động tinh vi, xảo quyệt. Bọn tội phạm đã lợi dụng mạng xã hội để  “săn mồi” bằng các bài viết thông tin tuyển người làm, mức thu nhập cao để thu hút sự quan tâm của những người có nhu cầu tìm việc. Khi mắc bẫy, nạn nhân trở thành “món hàng” bị bán sang tay nhanh chóng, việc mua bán dưới “vỏ bọc” ép nạn nhân viết giấy vay nợ, đơn xin việc… Đa số các nạn nhân của tội phạm mua bán người là nữ, sống ở nông thôn, nhẹ dạ cả tin. Trong đó, có những trẻ em gái tuổi mới lớn, nhận thức còn hạn chế, thiếu sự quan tâm, quản lý của gia đình.

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, lực lượng Công an Tuyên Quang sẽ tiếp tục nắm chắc địa bàn, sớm phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán người. Đồng thời, tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, massage, gội đầu… để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người. Các ngành phối hợp làm tốt công tác hỗ trợ nạn nhân (nếu có), nhất là đối với nạn nhân là trẻ em và tăng cường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với hoạt động giới thiệu việc làm, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cùng với đó, lực lượng Công an phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị trường học đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, đề cao cảnh giác cho người dân, nhất là học sinh về những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người; vận động nhân dân quản lý tốt con em mình tránh mắc bẫy tội phạm mua bán người và tích cực đề cao cảnh giác, tố giác tội phạm mua bán người.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục