Như nỗi nhớ người thân
Trung Trực từ xưa đã nổi tiếng là xứ sở của chò chỉ. Những rừng chò chỉ thẳng tắp, vươn mình ngạo nghễ, đã từng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn sống và làm việc năm 1948.
Giờ, diện tích chò chỉ đã giảm nhiều, nhưng ở thôn 4 và thôn 5, quần thể chò chỉ gần 100 cây vẫn được người dân bảo vệ nghiêm ngặt. Thân cây như một mũi tên khổng lồ lao thẳng lên trời với chiều cao từ 25 - 30 m. Những bậc bô lão trong bản làng đều khẳng định, từ khi sinh ra và lớn lên, các cụ đã thấy rừng chò chỉ ở đây cao lớn lắm rồi.
Cụ Hoàng Minh Khuê, năm nay đã ngoài 70 tuổi ở thôn nhớ lại, lúc cụ chưa đầy 10 tuổi, rừng xanh chiến khu còn rậm rạp, có hoang thú như cọp, báo… nên quần thể những cây chò chỉ giăng hàng với cự ly rất đều tựa như thành lũy để mọi người trú ẩn. Đám trẻ chăn trâu thấy hổ báo gầm rú thì lùa đàn chạy về nương bóng dưới tán chò chỉ.
Rừng chò chỉ được người dân thôn 4, thôn 5 xã Trung Trực (Yên Sơn) bảo vệ nghiêm ngặt.
Nhớ những ngày mưa gió, nhiều cây chò chỉ bị gió vít ngọn sát nhà dân, nhưng gần như chẳng cây nào gẫy đổ. Mưa tan, gió dừng, cây chò chỉ lại vươn mình trở lại, như những người vệ sĩ bảo vệ dân làng. Mang ơn với rừng chò chỉ cổ thụ, người già ở làng đều nhắc nhở con cháu không được xâm hại, chặt phá.
Rừng chò chỉ bây giờ sừng sững, hiên ngang giữa bản làng, như tiếng của người xưa vọng lại, truyền đời cho thế hệ sau.
Vừa trở về thăm quê từ miền Nam nắng gió, bà Đào Thị Phương, thôn 4 cất vội hành lý rồi đi bộ ra rừng chò chỉ ngay.
Hơn 50 năm hít hà mùi gió, mùi rừng, giờ xa quê, nỗi nhớ rừng chò chỉ cũng như nỗi nhớ người thân yêu trong lòng bà, luôn canh cánh và neo đậu trái tim bà về với quê hương.
Bà Phương không nhớ rừng chò chỉ có từ bao giờ, chỉ biết lớn lên, mình đã chạy nhảy, vui đùa dưới bóng cây rồi. Các cụ trong làng vẫn gọi rừng chò chỉ là rừng cây của người cao tuổi, là bởi, rừng cây ban đầu được giao về cho những người cao tuổi trong làng quản lý. Từ bé, bà và những người bạn cùng trang lứa đã được nghe các cụ dặn dò phải bảo vệ rừng cây.
Nơi bảo tồn nguồn giống quý
Quần thể chò chỉ gần 100 cây, cây to chu vi gốc lên đến hơn 6 mét, cây nhỏ cũng chừng vòng tay người ôm. Cây có chu vi gốc to nhất nằm giữa rừng, người dân nơi đây quen gọi là cây chò chỉ mẹ. Trên thân cây chò chỉ mẹ, lớp lớp cây leo ký sinh phủ kín từ gốc đến ngọn, như một lớp áo giáp bảo vệ cho “người mẹ” đặc biệt này.
Đồng chí Trần Quyết Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Trực cho biết, trước đây, rừng chò chỉ được giao cho Hội người cao tuổi, rồi sau này là Hợp tác xã quản lý. Ngoài việc kiểm đếm thường xuyên, UBND xã cũng đưa vào quy ước nội dung chăm sóc, bảo vệ rừng cây chò chỉ. Nhưng ông Thắng bảo, cả khi không đưa vào quy ước, thì đồng bào các dân tộc ở thôn 4, thôn 5 cũng đã thống nhất, tự xây dựng hương ước có nội dung tuyệt đối không xâm hại, tận thu bất kể một cành cây, que củi nào từ rừng chò chỉ. Chẳng thế mà rừng cây ngày càng tăng về số lượng, bao bọc những nếp nhà sàn quanh chiếc bụng xanh khổng lồ của nó.
Người dân thôn 4 xã Trung Trực (Yên Sơn) dưới tán rừng chò chỉ.
Ông Đào Xuân Lư - một trong những người cao tuổi nhất ở thôn 4, xã Trung Trực nhớ lại, thời điểm ông còn làm quản lý hợp tác xã, được giao quản lý, bảo vệ rừng chò chỉ, qua kiểm đếm, cả khu vực chỉ có khoảng 56 cây, nhưng giờ, riêng ở thôn 4, đã nhân lên 72 cây. Đa phần những cây chò nhỏ đều do quả của cây chò lớn rụng xuống mà mọc thành rừng, cũng có nhiều cây chò chỉ được người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ đặc biệt.
Dẫn khách tản bộ giữa rừng chò chỉ, ông Lư kể, khoảng tháng 3, tháng 4, mùa hoa chò chỉ nở rộ, mỗi khi có gió, cả làng vui như trảy hội. Người già, người trẻ bảo nhau ra rừng nhặt hoa, quả chò chỉ rụng về bán lại cho các cơ sở ươm giống cây lâm nghiệp trong và ngoài tỉnh. Có những ngày, bà con nhặt được cả cân hạt.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn Sầm Quốc Tuấn chia sẻ, rừng cây chò chỉ ở thôn 4, thôn 5 xã Trung Trực giờ được giao về UBND tỉnh quản lý, bảo vệ. Những cây chò chỉ cổ thụ được đánh số, cho vào danh sách bảo vệ đặc biệt. Niềm vui của những người làm kiểm lâm như anh Tuấn là ý thức bảo vệ rừng chò chỉ của người dân nơi đây - có lẽ hiếm nơi nào có được. Khi niềm tự hào, tình yêu đặc biệt của người dân với những cây chò chỉ trở thành động lực đặc biệt để họ cùng với lực lượng chức năng bảo tồn, gìn giữ quần thể này suốt bao nhiêu năm qua.
Theo anh Sầm Quốc Tuấn, hiện quần thể cây chò chỉ với số lượng lớn tại Trung Trực ngoài giá trị sinh học còn mang cả giá trị văn hóa. Tại một số địa phương, những quần thể chò chỉ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Anh Tuấn cho rằng, ngoài ý thức tự giác của nhân dân, cần có cơ chế chính sách đặc biệt đối với việc bảo vệ, gìn giữ quần thể cây chò chỉ độc đáo trên.
Gửi phản hồi
In bài viết