Trách nhiệm với Đảng, với dân
Anh Nịnh Văn Lìn nhận "chức" Bí thư Chi bộ thôn Gia đến nay ngót một năm và cũng là người lên "chức" nhanh nhất ở trong thôn, sau gần hai năm kết nạp đảng. Anh bảo, lý do anh vào đảng muộn, bởi gia đình anh đã vi phạm chính sách dân số do sinh con thứ 3, nên mãi đến gần 50 tuổi anh mới được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Mặc dù mới đảm nhận "chức" Bí thư, nhưng anh Lìn đã thể hiện rõ vai trò người "cầm cờ" ở thôn, lãnh đạo, chỉ đạo chi bộ, thôn làm được rất nhiều việc. Nổi bật, thôn bê tông hóa 1,3 km đường giao thông; giải phóng gần 400 m2 mặt bằng để thôn xây cầu, mở rộng đường làng; tu sửa đình làng...
Đưa chúng tôi đi thăm tuyến đường thôn mới hoàn thành, gương mặt tươi rói, Bí thư Lìn hào hứng, giới thiệu: "Chỗ này 100 m2 đất ruộng, thôn vừa giải phóng mặt bằng xong, chuẩn bị tới đây xây cầu". "Tuyến đường này làm cách đây mấy năm. Hồi đó, nhà tôi cũng ủng hộ mấy triệu và hiến 300 m2 đất vườn để làm đường đấy". Rồi "Đình này tôi mới cho tu sửa lại mới đẹp như này"...
Anh Nịnh Văn Lìn.
Mải mê trò chuyện, chúng tôi đã đến được tuyến đường mới. Anh Lìn chia sẻ: "Nắm bắt được nguyện vọng của một số hộ dân trong thôn mong muốn được bê tông nốt tuyến đường này. Tôi nhiều đêm mất ngủ. Tôi lo tuyến đường dài quá, trong khi chỉ có 1, 2 hộ dân sinh sống trên tuyến đường, đóng góp sẽ cao, liệu thôn làm nổi không? Nhưng rồi tôi lại nghĩ, khi Đảng và dân cùng quyết tâm, đồng lòng, chẳng nhẽ lại không xong".
Nghĩ là làm, anh Lìn lên dự toán, bàn bạc với các đồng chí trong Chi ủy, chi bộ ra nghị quyết, lãnh đạo Nhân dân cùng chung tay góp sức hoàn thành tuyến đường. Hình thức đóng góp anh đưa ra, hộ nào có nhà, có đất sản xuất trên tuyến đường đó mới phải đóng kinh phí xây dựng và mức đóng góp tương ứng hưởng lợi.
Đặc biệt, anh phát huy vai trò trách nhiệm nêu gương của những người cán bộ, đảng viên, người có uy tín của thôn cùng vào cuộc để tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đơn cử như chuyện góp làm đường, theo dự toán, gia đình anh Lìn chỉ cần đóng 4 triệu đồng, nhưng anh đã đóng góp tới 10 triệu đồng; trưởng thôn Trần Văn Trung, dù gia đình không có nhà hay đất trên tuyến đường trên nhưng anh đã gương mẫu ủng hộ thôn 2 triệu đồng. Với cách làm này, nghị quyết bê tông hóa tuyến đường của Chi bộ đã được đảng viên và Nhân dân hưởng ứng tích cực. Chỉ sau một thời gian ngắn, thôn đã hoàn thành tuyến đường, với tổng kinh phí xây dựng do Nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng. Trong đó, có những hộ đóng góp lên tới trăm triệu, hộ ít cũng vài triệu đồng.
Gia đình bà Nịnh Thị Thêm là hộ sinh sống cuối cùng tuyến đường thôn Gia, vậy nên, gia đình bà là hộ phải đóng góp cao nhất thôn: 250 triệu đồng. Bà Thêm chia sẻ: "Số tiền đóng góp không nhỏ so với mức thu nhập của người nông dân như chúng tôi. Thế nhưng, chủ trương đúng, hợp lòng dân, cán bộ, đảng viên trách nhiệm, chúng tôi không có lý do gì không tin tưởng, đồng lòng, chung sức".
Phát huy vai trò gương mẫu, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên để thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của chi bộ, thôn chính là bí quyết dân vận của Bí thư Lìn. Bí thư Lìn cho biết, Chi bộ thôn Gia có 16 đảng viên trong tổng số hơn 400 nhân khẩu của thôn. Để xây dựng khối đại đoàn kết trong thôn, theo anh trước hết người cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước đảng, trước dân, Chi bộ, Ban phát triển thôn phải đoàn kết, dân mới tin tưởng và ủng hộ. Bởi lẽ đó, anh đã lãnh đạo, chỉ đạo Chi bộ, thôn thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương. Thôn Gia còn là điểm sáng của xã về bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giải phóng mặt bằng.
Anh Nịnh Văn Lìn (trái) cùng cán bộ xã Tiến Bộ kiểm tra tuyến đường thôn vừa được bê tông hóa.
Lời nói đi liền với việc làm
Chẳng những đầu tàu, gương mẫu việc thôn, anh Nịnh Văn Lìn còn được biết đến là người tiên phong làm kinh tế ở xã Tiến Bộ. Anh hiện là Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy, đơn vị tiên phong trồng rừng FSC. Anh Lìn chia sẻ, trước những năm 2000, núi đồi ở đây chỉ toàn lau sậy, người dân phát rừng trồng sắn, cấy ngô. Thế rồi, Nhà máy Giấy An Hòa mọc lên, anh nghĩ ngay hiệu quả kinh tế từ cánh rừng đem lại.
Vượt qua định kiến của mọi người, anh Lìn vừa tích cực trồng keo trên những cánh rừng của nhà mình, vừa khai phá những đồi trọc bạc màu của người dân bỏ lại, vừa mua thêm đất của các hộ chán sắn bỏ đồi để trồng rừng... Cứ thế 30 ha đất trống, đồi trọc đã được vợ chồng anh phủ xanh bởi một màu keo. Chẳng những đầu tàu trồng rừng, anh vận động bà con quanh thôn cùng trồng rừng như mình. Đến nay, thôn Gia không còn đất trống. Tất cả người dân đều ý thức trồng rừng.
Năm 2015, tỉnh có chủ trương phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC và chọn xã Tiến Bộ làm điểm. Anh Lìn một lần nữa tiên phong đến cuối làng, giáp núi để giải thích, vận động bà con khái niệm FSC là gì và lợi ích khi rừng được cấp chứng chỉ. Từ đó, những cánh rừng được cấp chứng chỉ FSC ở Tiến Bộ từng bước hình thành.
Năm 2017, HTX Dịch vụ sản xuất nông lâm nghiệp Tiến Huy được thành lập, anh Lìn giữ chức vụ Giám đốc. HTX hiện liên kết với 668 hộ, diện tích trên 1.450 ha rừng FSC. Ngoài trồng rừng, từ năm 2022 đến nay, HTX còn liên kết trồng cây ớt xuất khẩu, với diện tích trên 2 ha. Việc làm của anh, không chỉ góp phần nâng cao đời sống người dân, xóa nghèo, mà còn giúp người dân trong xã thay đổi nhận thức về sản xuất nông nghiệp.
Nói về anh Nịnh Văn Lìn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tiến Bộ Hoàng Minh Thảo, khẳng định: "Đồng chí Nịnh Văn Lìn luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm trong mọi hoạt động, từ phát triển kinh tế đến góp sức giúp người nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bằng những việc thiết thực của mình, đồng chí Lìn đã và đang thắp lên niềm tin thoát nghèo, là "ngọn đuốc" soi đường giúp đồng bào các dân tộc xã Tiến Bộ nói chung, bà con dân tộc Cao Lan thôn Gia nói riêng vươn lên trên hành trình giảm nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết