Giai đoạn 2020-2024, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 56 đề án khuyến công quốc gia và địa phương trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí gần 12 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ được tập trung có trọng tâm, trọng điểm như: Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ mới; hỗ trợ ứng dụng thiết bị tiên tiến trong sản xuất; hỗ trợ thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm; thực hiện công tác thông tin tuyên truyền; tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến công, tuyên truyền chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn…
Nhiều hợp tác xã được hỗ trợ từ đề án khuyến công đã mạnh dạn đầu tư máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn là HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm đã thực hiện hỗ trợ cho 11 HTX trên địa bàn tỉnh ứng dụng thiết bị tiên tiến, khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị cho sản phẩm với tổng kinh phí từ nguồn khuyến công quốc gia và địa phương trên 1,5 tỷ đồng.
Các ngành nghề được hỗ trợ như: chế biến chè, sản xuất trà túi lọc từ hạt đậu đen, sản xuất rượu mang thương hiệu Tuyên Quang, sản xuất mật ong, chuối sấy, mỳ khô, chế biến thực phẩm an toàn, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ tre. Trung tâm cũng triển khai hỗ trợ kinh phí tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm cho 2 HTX là: HTX chăn nuôi ong Phong Thổ, thành phố Tuyên Quang và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu (Yên Sơn) 60 triệu đồng.
Không chỉ hỗ trợ các HTX ứng dụng thiết bị tiên tiến, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, Trung tâm còn tổ chức và phối hợp tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo về chuyển đổi số cho các cơ sở công nghiệp nông thôn; trong đó có trên 50 HTX tham gia.
Anh Nguyễn Văn Thuật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, qua hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số đã cung cấp những nội dung cơ bản của chính sách khuyến công; giúp đơn vị tiếp cận thông tin về công nghệ số, nắm bắt các cơ hội và hiểu rõ những thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Sau khi được tư vấn và hỗ trợ thực hiện đã giúp HTX quản lý tốt việc kinh doanh qua nền tảng số, tăng doanh số bán hàng và đối tượng khách hàng được mở rộng. Trung tâm Khuyến công cũng tạo điều kiện, kết nối HTX tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ triển lãm, các hội nghị kết nối cung cầu nhằm quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm...
Sản phẩm mỳ khô của HTX Nông nghiệp Thuật Yến, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) được khách hàng tin tưởng lựa chọn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các đề án khuyến công cũng gặp những khó khăn như: Việc đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chế biến sản phẩm đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro của nhiều HTX.
Trong khi tiếp cận nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ yêu cầu HTX phải có vốn đối ứng (tỷ lệ đối ứng nguồn kinh phí khuyến công lên đến 60%) nên nhiều HTX chưa mặn mà, thậm chí không có khả năng đối ứng. Chưa kể sự hạn chế về nguồn nhân lực khiến cho những thủ tục về đấu thầu, đầu tư, chuẩn bị hồ sơ thanh quyết toán để giải ngân đề án không thể thực hiện. Do đó nhiều HTX chưa mạnh dạn tham gia các đề án...
Thời gian tới, để khắc phục khó khăn và phát huy những hiệu quả mà chương trình khuyến công mang lại cho các HTX, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư vốn đối ứng, đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, đóng góp quan trọng vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn.
Gửi phản hồi
In bài viết