Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 3 về “Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chiêm Hoá đã phối hợp triển khai tại 3 xã Trung Hà, Hà Lang và Hùng Mỹ.
Mô hình nuôi cá tầm tại huyện Chiêm Hóa mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trên địa bàn.
Anh Bàn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Bản Ba cho biết, sau khi Dự án được phê duyệt, HTX chọn quả đồi ở thôn Khuôn Nhòa, xã Trung Hà xây dựng 5 bể chăn nuôi cá tầm. HTX đã phối hợp với các đơn vị có chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá tầm thương phẩm cho các hộ dân liên kết; hướng dẫn kỹ thuật trực tiếp cùng bà con trong toàn bộ quá trình nuôi.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thu mua cá tầm của các hộ gia đình liên kết và tập kết, xuất bán cho đơn vị bao tiêu đầu ra. Đây sẽ là yếu tố giúp bà con yên tâm chăn nuôi, có đầu ra ổn định, đồng thời khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quản lý chất lượng nông sản thuận lợi, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho người nông dân. Hiện qua kiểm tra cá phát triển tốt, dự kiến đầu năm 2025 sẽ thu hoạch, ước sản lượng đạt trên 76 tấn cá.
Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cá tầm thương phẩm được triển khai thực hiện từ năm 2023. Đã có 21 hộ thuộc xã Trung Hà, Hà Lang được tham gia Dự án, nuôi 9.000 cá tầm giống. Đầu tháng 10/2024, có 10 hộ thuộc thôn Cao Bình, xã Hùng Mỹ tham gia Dự án với số lượng nuôi 5.000 con.
Tham gia Dự án, các hộ nuôi sẽ được Nhà nước hỗ trợ con giống, thức ăn, thuốc và một số vật tư trang thiết bị cho vụ nuôi đầu tiên. Người dân sẽ đối ứng mặt bằng và hệ thống bể nuôi, hệ thống cấp thoát nước và thức ăn cho các vụ tiếp theo để duy trì hệ thống nuôi và chuỗi liên kết. Bước đầu triển khai thực hiện đã thu được những kết quả, hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho nông dân trên địa bàn.
Là xã có đông ĐBDTTS sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, Minh Hương (Hàm Yên) đã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Trong đó, phải kể đến Dự án phát triển sản xuất chăn nuôi vịt bầu Minh Hương liên kết theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS&MN. Tham gia dự án có 84 hộ, chăn nuôi trên 17.500 con vịt bầu. Các hộ được cung cấp con giống, thức ăn; tập huấn và áp dụng khoa học và kỹ thuật chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Đồng chí Hoàng Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hương cho biết, trước khi triển khai dự án xã đã khảo sát, rà soát các mô hình sản xuất trên địa bàn, xây dựng mô hình dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong quá trình thực hiện, xã chú trọng công tác tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân về xây dựng các chuỗi sản phẩm.
Dự án sản xuất chăn nuôi vịt bầu Minh Hương liên kết theo chuỗi giá trị góp phần mang lại thu nhập ổn định cho bà con.
Đây là dự án thiết thực, phù hợp với địa phương. Thực hiện dự án, bà con có thêm nguồn vốn để thực hiện chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, dự án sẽ tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; hình thành thói quen sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, tạo lập môi trường hợp tác, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất thông qua việc hình thành và phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Dự án nuôi vịt bầu thành công sẽ giải quyết được công ăn việc làm ổn định, vịt có giá trị kinh tế cao, sẽ tăng thu nhập cho người dân, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN trong giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh được phân bổ kinh phí 2.203 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương trên 2.095 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 108 tỷ đồng.
Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; từ năm 2022 đến nay, tỉnh đã thực hiện phân bổ kinh phí để đầu tư xây dựng 570 công trình hạ tầng phục vụ cho sản xuất, trao đổi hàng hóa, sinh hoạt của nhân dân; hỗ trợ nhà ở cho 1.276 hộ; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 1.978 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 3.517 hộ.
Ngoài ra từ nguồn vốn chương trình, hỗ trợ khoán bảo vệ rừng đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ 5.900 lượt ha; hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khai thác kinh tế dưới tán rừng và phát triển lâm sản ngoài gỗ 1.700 lượt ha; hỗ trợ 13 dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; 4 dự án phát triển sản xuất cho cộng đồng.
Việc thực hiện có hiệu quả Chương trình đã có tác động tích cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBDTTS&MN; giảm số xã khu vực III từ 50 xã ở đầu giai đoạn, đến nay còn 39 xã; xã khu vực II giảm còn 7 xã; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 7,6%/năm.
Để thực hiện hiệu quả việc phát triển kinh tế, xã hội cho đồng bào DTTS, đặc biệt là hỗ trợ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, Ban Dân tộc tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; tìm kiếm, hợp tác với nhà đầu tư có năng lực để triển khai liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.
Đồng thời, triển khai ứng dụng các đề tài nghiên cứu, hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ cho vùng ĐBDTTS&MN, đặc biệt chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị, các vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa gắn với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, khuyến khích thành lập và phát triển các hợp tác xã, mô hình khởi nghiệp tại vùng ĐBDTTS&MN…
Gửi phản hồi
In bài viết