Chủ động sớm các phương án
Theo số liệu thống kê, tổng diện tích rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh hiện có trên hơn 440 nghìn ha đất lâm nghiệp, trong đó, hơn 46 nghìn ha đất rừng đặc dụng, gần 121 nghìn ha đất rừng phòng hộ, hơn 272 nghìn ha đất rừng sản xuất và hơn 13 nghìn ha diện tích rừng tre, nứa. Độ ẩm không khí thấp, dưới 55% trong nhiều ngày qua là một trong những yếu tố làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện nay, trên địa bàn có 53 xã có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Trong đó, nhiều nhất là huyện Chiêm Hóa 13 xã, huyện Yên Sơn có 11 xã, huyện Sơn Dương 9 xã, huyện Hàm Yên 7 xã, huyện Lâm Bình 6 xã, huyện Na Hang 4 xã, thành phố Tuyên Quang 3 xã.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra rừng ở xã Tân An (Chiêm Hóa).
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ước tính sơ bộ đã có khoảng 900 ha rừng bị thiệt hại, gãy đổ, làm gia tăng vật liệu cháy và nguy cơ cháy rừng là rất lớn trong các tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025.
Rừng đặc dụng Tân Trào (Sơn Dương) có diện tích gần 4.000 ha, trong đó có hơn 3.100 ha là rừng tự nhiên, còn lại là diện tích đất rừng trồng. Đồng chí Hoàng Đức Soài, Chủ tịch UBND xã Tân Trào cho biết, là địa phương nằm trong khu vực cảnh báo cháy rừng cấp IV (cấp nguy hiểm), để phòng ngừa và bảo vệ rừng, xã đã phối hợp với kiểm lâm địa bàn, chỉ đạo các đơn vị chức năng của xã, đẩy mạnh tuyên truyền tới Nhân dân không được sử dụng lửa trong rừng, không đốt thực bì. Xã cũng đã thành lập các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng của từng thôn cùng với kiểm lâm địa bàn, thường xuyên tuần tra rừng, trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi cháy rừng xảy ra.
Ông Trần Xuân Quảng, Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang cho biết, công ty hiện có gần 1.800 ha rừng trồng. Để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả, công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo và 7 tổ đội phòng cháy, chữa cháy rừng cấp cơ sở tại các đội trồng rừng.
Hằng năm, Ban Chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng của Công ty phối hợp các ngành Kiểm lâm, Công an, Quân đội, chính quyền các xã trên địa bàn tổ chức tập huấn, huấn luyện diễn tập cho cán bộ, công nhân viên và các hộ dân nhận khoán trồng rừng trên địa bàn.
Cùng với đó, Ban chỉ đạo đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và duy trì các công trình phòng cháy, như hệ thống đường ranh cản lửa; hệ thống ao hồ, sông suối sẵn có trong khu vực làm cơ sở lên phương án chữa cháy khi có cháy rừng xảy ra; đồng thời, kết hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức phòng cháy, chữa cháy rừng cho Nhân dân, đặc biệt là các hộ dân sống gần rừng.
Phòng ngừa là chủ yếu
Chiêm Hóa là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với trên 84.786 ha rừng, trong đó rừng sản xuất trên 56.685 ha; rừng phòng hộ 19.037,56 ha; rừng đặc dụng 9.063,27 ha trên tổng số địa bàn 24 xã, thị trấn. Vào mùa khô hanh, lớp thực bì dày nhưng bà con vẫn giữ tập quán đốt nương để sản xuất nông nghiệp nên nguy cơ cháy rừng cao. Chính vì thế, muốn bảo vệ rừng, huyện Chiêm Hóa xác định “phòng cháy là chủ yếu, chữa cháy phải kịp thời”. Để làm tốt công tác PCCCR cao điểm mùa hanh khô, UBND huyện đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp cùng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện rà soát, phân định vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao tại các xã: Linh Phú, Tri Phú, Kiên Đài… Với phương châm “4 tại chỗ”, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ xuống từng địa bàn bám nắm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và hướng dẫn Nhân dân các biện pháp PCCCR, tổ chức tuần tra rừng. Cùng với đó cho Nhân dân ký cam kết việc thực hiện bảo vệ và PCCCR.
Đồng chí Kim Ngọc Tuyên, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Chiêm Hóa cho biết: Tháng 10 vừa qua tại xã Bình Phú đã cháy 4 ha rừng, gây thiệt hại cho Nhân dân. Vì thế để phòng ngừa cháy rừng, lực lượng Kiểm lâm thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin kịp thời, kiểm tra thường xuyên đối với các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Bên cạnh đó, tích cực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn đến các tổ chức, cá nhân là chủ rừng; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng. Đảm bảo không xảy ra các vụ cháy rừng.
Đồng chí Dương Văn Xy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Để hạn chế thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh, Chi cục đã tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn quản lý. Đối với diện tích rừng bị gãy, đổ do thiệt hại của bão số 3 gây ra chỉ đạo UBND cấp xã, chủ rừng xây dựng phương án quản lý bảo vệ, sử dụng rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chủ rừng hoặc được giao quản lý mà để xảy ra cháy rừng, mất rừng. Bố trí lực lượng thường trực tại các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao.
Bên cạnh đó, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ khi mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng từ cấp III trở lên; tăng cường công tác tuần tra, canh gác phát hiện sớm lửa rừng và bảo đảm lực lượng ứng trực, sẵn sàng huy động lực lượng tại chỗ xử lý ngay khi có cháy rừng xảy ra, không để xảy ra cháy lớn, kéo dài trong nhiều ngày. Bố trí phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và thường xuyên theo dõi thông tin cấp dự báo cháy rừng trên hệ thống cảnh báo cháy sớm và phần mềm hệ thống phát hiện sớm điểm nghi cháy rừng để thông tin kịp thời đến các chủ rừng trên địa bàn quản lý để có phương án bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng phù hợp tình hình thực tế.
Với những biện pháp lực lượng kiểm lâm thực hiện cùng với các phương án chủ động phòng chống cháy rừng của các địa phương cơ bản đảm bảo kiểm soát được diện tích rừng toàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết