Ứng phó với rét đậm, rét hại

- Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn Trung ương, thời tiết đang có những diễn biến bất thường, các đợt rét có xu hướng đến muộn hơn. Rét xuất hiện muộn sẽ gây bất lợi lớn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt trong thời điểm này khi đàn vật nuôi, cây trồng chuẩn bị bước vào thời kỳ cho thu hoạch phục nhu cầu của thị trường trước, trong và sau Tết. Do đó, chủ động phòng, chống rét là giải pháp quan trọng để bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại.

Phòng chống rét cho vật nuôi, cây trồng

Bắt đầu từ thời điểm tháng 10, anh Dương Văn Thành, Giám đốc HTX chăn nuôi bò thịt của HTX Thành Long, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) luôn luôn sẵn sàng mọi phương án để phòng chống đói, rét cho đàn bò hàng trăm con. Anh Thành chia sẻ, HTX chăn nuôi quy mô lớn, trung bình khoảng 200-300 con/lứa anh đặc biệt quan tâm đến sức khỏe đàn vật nuôi. Riêng với con bò, nắng nóng bò có thể chịu được nhưng trời rét nếu không được ăn no, giữ ấm bò rất dễ mắc bệnh. Đảm bảo cho đàn bò sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh, toàn bộ hệ thống chuồng trại nuôi nhốt bò đã được anh Thành quây bạt che chắn tránh gió lùa, mưa tạt; nền chuồng luôn được giữ khô ráo sạch sẽ. Riêng với chế độ ăn, sẽ được tăng cả lượng và chất.

Theo anh Thành, thời tiết ấm mỗi ngày 1 con bò trưởng thành chỉ tiêu thụ hết 3 - 5 kg thức ăn tinh (cám) và 1 lượng thức ăn thô. Tuy nhiên vào những ngày đông lạnh, khẩu phần ăn sẽ được tăng lên 20 - 30% và được chia thành nhiều bữa. Để đảm bảo đủ nguồn thức ăn cho đàn bò, ngoài diện tích cỏ trồng tại trang trại, HTX Thành Long cũng hợp đồng với một số HTX tại huyện Sơn Dương, Yên Sơn cung ứng ngô sinh khối và rơm cuộn.

Anh Thành cho biết: Nhiều năm chăn nuôi đã cho anh nhiều kinh nghiệm chăm sóc đàn vật nuôi, đặc biệt với đối tượng gia súc lớn là trâu, bò phát triển khỏe mạnh trong mùa đông. Đó chính là phải tăng khẩu phần ăn, cân đối đủ thức ăn tinh bột với thức ăn thô xanh, cho trâu, bò uống nước ấm, pha muối loãng, giữ nền chuồng khô để hạn chế bệnh long móng cho vật nuôi.

Người dân xã Trung Yên (Sơn Dương) phủ nilon dưới gốc cây giữ ấm và phòng chống rét cho cây trồng.

Không riêng đàn vật nuôi, diện tích cây trồng, đối tượng thủy sản cũng được chăm sóc kỹ lưỡng, bảo vệ khỏi sương gió, rét mướt. Ông Vũ Văn Thuyên, thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết: Gia đình ông trồng 1 ha súp lơ, cà chua... thời điểm này cà chua bắt đầu cho quả. Tuy nhiên nhiệt độ đột ngột giảm sâu kèm sương muối nguy cơ táp lá, rụng quả non rất lớn. Tránh thiệt hại, ông Thuyên đã phải mua lưới đen làm giàn che sương cho toàn bộ diện tích cà chua. Theo lời ông Thuyên ngoài che chắn hạn chế sương muối gây táp lá, rụng quả non, dưới gốc cây ông cũng phải phủ rơm để vừa giữ ấm, giữ ẩm cho cây.

Đồng chí Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã Đức Ninh (Hàm Yên) cho biết: Trong những ngày này, thời tiết đột ngột chuyển lạnh, nhiệt độ đêm và sáng sớm giảm sâu ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Để bảo vệ diện tích cây trồng, đặc biệt là với diện tích cây rau đông phục vụ thị trường thành phố Tuyên Quang và Hà Giang xã đã tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, khuyến cáo bà con nông dân không gieo trồng gối vụ các loại rau màu khi nhiệt độ ngoài trời thấp hơn 15 độ C.

Đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch, thì xã khuyến khích người dân thu hoạch sớm, đúng lứa để đảm bảo năng suất, tránh thiệt hại; sử dụng nilon, rơm, rạ phủ luống, làm vòm che để phòng chống rét cho các loại cây trồng. Đồng thời chăm sóc, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm; bón phân đầy đủ, cân đối để cây trồng khỏe mạnh tăng khả năng chống rét. Đặc biệt, những ngày có sương muối, giá buốt, người dân cần phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua...

Tuyệt đối không chủ quan

Đồng chí Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thời tiết năm nay đang có những diễn biến rất bất thường, rất khó dự báo. Thực tế cho thấy nhận định của ngành chuyên môn, mùa đông năm nay sẽ đến sớm hơn tuy nhiên trong suốt tháng 10 - 11, nhiệt độ giữ ổn định ở mức từ 25 - 30 độ và đến đầu tháng 12 mới ghi nhận hiện tượng thời tiết chuyển rét. Điều này rất dễ dẫn đến tâm lý chủ quan của các hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ.

Đàn bò của HTX Thành Long, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) được tăng khẩu phần ăn trong mùa đông.

Đồng chí Nguyễn Công Hàm nhấn mạnh: Sau tổn thất từ hoàn lưu bão số 3, hoạt động sản xuất bước đầu được khôi phục, để thực hiện bằng được mục tiêu lấy vụ đông bù vụ mùa, Sở đã có văn bản yêu cầu các chi cục phối hợp chặt chẽ với phòng chuyên môn của các huyện, thành phố tăng cường lực lượng xuống cơ sở, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương đồng thời hỗ trợ người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống rét hiệu quả cho cây trồng vật nuôi. Đến ngày 10-12, các tổ kiểm tra liên lĩnh vực gồm: chăn nuôi, trồng trọt đã được thành lập và tiến hành kiểm tra công tác phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi đã được thực hiện.

Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Đơn vị đang kiểm tra công tác phòng, chống rét trên địa bàn các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình. Ghi nhận ban đầu, người dân đã tích cực, chủ động sẵn sàng các phương án phòng chống rét để bảo vệ tài sản của chính mình.

Bà Hà Thị Vĩ, xã Hà Lang (Chiêm Hóa) cho biết: Gia đình bà chăn nuôi trâu sinh sản, thường thả trên rừng nhưng mấy hôm nay nhiệt độ xuống thấp, gia đình đã lùa trâu về chuồng lấy cỏ, cây ngô cho ăn. Bà Vĩ chia sẻ: “Con trâu là tài sản có giá trị nên người nông dân như bà không bỏ bê đâu!”.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn vật nuôi, diện tích cây trồng vụ đông, cây ăn quả vẫn phát triển tốt, không có dấu hiệu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Tuy nhiên thời tiết sẽ có nhiều diễn biến bất thường, khó lường đoán, bảo vệ tài sản, hạn chế tổn thất, các chủ trang trại, gia trại, hộ sản xuất tuyệt đối không chủ quan, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, chủ động các biện pháp để ứng phó.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục