Ban tổ chức giới thiệu nhánh đề bài phụ của cuộc thi năm nay.
Được khởi xướng từ năm 2020, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam (VICAS) tổ chức với sự bảo trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và sự phối hợp của nhiều đối tác, địa phương trên cả nước.
Năm nay, đề bài “Thiết kế từ những hạn chế” được đưa ra cho 5 lĩnh vực là: Thiết kế truyền thông, Thiết kế nội thất, Thiết kế vật dụng và trang trí, Thiết kế trang phục, Thiết kế công cộng; bên cạnh đó, có một nhánh đề bài riêng là “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm”.
Theo Ban tổ chức, vấn đề “Thiết kế từ những hạn chế” là một thách thức trong bối cảnh khủng hoảng nhiên liệu và nguyên liệu thô, ô nhiễm môi trường... diễn ra khắp thế giới.
Hiện tượng đáng báo động và có nguy cơ kéo dài này buộc các nhà thiết kế phải hướng tới sự đổi mới toàn diện: vừa cắt giảm khai thác tài nguyên vừa tăng cường việc tái sử dụng.
Vì vậy, đồ cũ, hàng tồn, hàng lỗi thậm chí cả những vật dụng bị bỏ đi cũng có thể trở thành những nguồn nguyên liệu phong phú và dồi dào cho thiết kế.
Trên thực tế, tái chế là một phong trào phát triển mạnh mẽ những năm gần đây. Đối với thời trang, nhiều nhà thiết kế đã sử dụng vải vụn, quần áo cũ, nhựa PET, hay sợi tổng hợp từ bã cà-phê, xương rồng, vỏ hàu, lá dứa, tơ sen... để tạo ra các bộ sưu tập trang phục thân thiện với cả người dùng và môi trường.
Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, một thành viên cố vấn lĩnh vực Thiết kế trang phục của cuộc thi, với nguồn nguyên liệu từ nông nghiệp, từ thiên nhiên, với tính cách sáng tạo và tiết kiệm, tái sử dụng trở thành một văn hóa của người Việt không chỉ trong lĩnh vực thời trang.
Chia sẻ thêm về lĩnh vực Thiết kế vật dụng và trang trí, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc cho biết: “Các sản phẩm trang trí và quà tặng trên thị trường hiện nay đang sử dụng nhiều nguồn tài nguyên, từ thực vật (gỗ, mây, tre, lá...) đến đất (sét, cao lanh...), kim loại (đồng, nhôm...).
Các thí sinh đề xuất giải pháp thiết kế cho sản phẩm trang trí và quà tặng cần đáp ứng các yêu cầu sau đây: Sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương; nâng cao hiệu suất sử dụng (tỷ lệ thu hồi) nguyên vật liệu; tái sử dụng các nguyên vật liệu sẵn có để tạo nên sản phẩm mới hoặc kéo dài tuổi thọ của sản phẩm; sử dụng nguyên vật liệu là phụ phẩm nông nghiệp để gia tăng giá trị; khuyến khích các sản phẩm có khả năng sản xuất số lượng lớn và đi vào cuộc sống, không chỉ là các tác phẩm đơn chiếc”.
Ở nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên hồ Gươm”, ba vị trí được đề xuất là: gần bãi đỗ xe Bờ Hồ; đối diện ngã ba Hàng Trống-Lê Thái Tổ; đối diện Công ty Điện lực Hà Nội. Theo kiến trúc sư Doãn Thế Trung (Trường đại học Xây dựng Hà Nội), những năm gần đây, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô với nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật có sức hấp dẫn người dân, du khách trong nước và quốc tế. Trong khi đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này hiện đang mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng và chưa thật sự sạch đẹp.
Bài dự thi không phải đáp ứng quy định cụ thể về quy mô, diện tích, hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình. Thí sinh tự do đề xuất các giải pháp đáp ứng những yêu cầu thiết kế hài hòa cảnh quan khu vực; sáng tạo độc đáo và khả thi.
Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, dự án “Hanoi Design City - Hà Nội đẹp từng centimet” và Viglacera là những đơn vị đồng hành, hỗ trợ với mong muốn góp phần chỉnh trang, cải thiện môi trường và hình ảnh khu vực di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của Thủ đô văn minh - Thành phố sáng tạo đã được UNESCO công nhận.
Trong lĩnh vực Thiết kế công cộng, đề bài gợi mở không chỉ nhằm vào các giải pháp thiết kế “tĩnh” đặt trong một không gian địa lý cụ thể, mà còn khuyến khích thiết kế các giải pháp “động”: thiết kế hành vi, hoạt động cho con người ở chính các không gian công cộng để sinh hoạt lành mạnh hơn, con người kết nối với nhau dễ dàng và có chất lượng hơn.
Một thí dụ điển hình là hơn 100 sân chơi cho trẻ em ở Hà Nội và một số tỉnh khác đã được nhóm Think Playgrounds gây dựng, phát triển.
Bắt đầu từ việc đi tìm các khoảng trống trong đô thị, những nơi từng để hoang hoặc được sử dụng để đồ phế thải, bãi rác, nơi trông giữ xe..., nhóm lên kế hoạch, tạo thiết kế, thảo luận với chính quyền địa phương và cộng đồng chung quanh để cho ra đời những sân chơi có tính kết nối cao.
Nhóm trồng thêm cây xanh, cải tạo bê-tông cũ, tận dụng lốp xe hay ván gỗ làm thành đồ chơi... những việc làm nhỏ này khi huy động được trí tuệ và công sức của nhiều người thì đã đủ tạo nên những không gian quý giá để người lớn và trẻ em được thư giãn, vui chơi.
Trong xu hướng toàn cầu tiếp tục hướng tới kinh tế tuần hoàn, tăng nguyên liệu xanh..., cuộc thi thiết kế “Designed by Vietnam” được kỳ vọng sẽ gợi mở, tôn vinh nhiều ý tưởng và hành động thiết thực nhằm nâng cao giá trị thời trang, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm sáng tạo... của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước. 30 bài thi tốt nhất sẽ được lựa chọn để hoàn thiện và triển lãm tại vòng chung kết trong khuôn khổ Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Gửi phản hồi
In bài viết