Ảnh minh họa: Thành Đạt
Hội thảo được tổ chức nhằm thu thập ý kiến các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân về lựa chọn ngành và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược xuất khẩu giai đoạn sắp tới. Sự kiện thu hút sự tham gia của đại diện các hiệp hội, ngành hàng, các chuyên gia đến từ nhiều tổ chức trong nước và quốc tế cùng các bên liên quan khác.
Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án Chính sách thương mại và xúc tiến xuất khẩu Việt Nam (SwissTrade), do Bộ Công thương Việt Nam là cơ quan chủ quản với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), được tài trợ bởi Chính phủ Thuỵ Sĩ thông qua Cục Kinh tế Liên bang Thuỵ Sĩ (SECO).
Tại Hội thảo, chuyên gia quốc tế của ITC đã trình bày đánh giá thực trạng xuất khẩu của Việt Nam, phân tích tiềm năng xuất khẩu chưa được thực hiện cũng như đưa ra đề xuất về 5 ngành (thực phẩm, dệt may, điện tử, nội thất và hàng hóa môi trường) và 5 lĩnh vực (chuyển đổi kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, phát triển bền vững, chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng) mà Việt Nam nên ưu tiên tập trung phát triển trong việc xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc gia giai đoạn tiếp theo.
TS Alberto Armugo Pacheco, đại diện nhóm xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia, ITC, cho biết, sau khi tham vấn với Bộ Công thương cùng một số Bộ, ngành và đại diện khu vực tư nhân để đưa ra đánh giá chân thực nhất về năng lực cạnh tranh của thương mại Việt Nam trong giai đoạn đầu xây dựng chiến lược, hiện nhóm đang tập trung vào xây dựng chiến lược riêng cho những ngành và lĩnh vực ưu tiên được lựa chọn.
Theo đó, 3 ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, có thể được coi là 3 ngành trọng điểm hiện nay là: thiết bị điện tử, dệt may và da giày-chiếm đến 60% tiềm năng xuất khẩu chưa khai thác. Ngành máy móc có chỉ số tiềm năng xuất khẩu tương đối sát với 3 ngành nêu trên và cũng có thể tạo ra nhiều việc làm, mặc dù một số công việc có thể có nguy cơ bị thay thế do quá trình tự động hoá.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, ngành chế biến nông sản và ngành nội thất có chỉ số tiềm năng xuất khẩu tương đối thấp, nhưng có thể có những lợi thế khác. Vì vậy, cần tái định vị đáng kể những ngành này để tạo thêm giá trị trong thời gian tới. Cùng đó, ngành hàng hóa môi trường có liên quan đến nhiều ngành hàng truyền thống khác như điện tử và máy móc có thể có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai.
Hội thảo “Tham vấn lấy ý kiến về ngành và lĩnh vực ưu tiên trong xây dựng Chiến lược xuất khẩu quốc gia” tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương nhận định: "Nghiên cứu của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) đem đến góc nhìn khách quan, với phương pháp luận riêng đã được ITC triển khai nghiên cứu thực hiện ở nhiều quốc gia. Các ý kiến tại Hội thảo là cơ sở để ITC tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể hơn trong Báo cáo của ITC”.
Ông Trần Huy Hoàn, Ban Quản lý dự án, Bộ Công thương đánh giá Báo cáo của ITC được thực hiện công phu, có nhiều thông tin bổ ích và có nhiều nội dung kỹ thuật có thể tham khảo chính sách, đặc biệt là cho chiến lược xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.
Bà Sibylle Bachmann, Phó Giám đốc Văn phòng hợp tác Thuỵ Sĩ tại Việt Nam, đại diện nhà tài trợ SECO nhận định, mặc dù Việt Nam đã trở thành “nhà vô địch” về xuất khẩu và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, nhưng vẫn còn những khoảng cách nhất định, thiếu định hướng chiến lược và hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp về xúc tiến xuất khẩu. Điều này khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Dự án SwissTrade được triển khai nhằm giải quyết những thách thức này, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển thương mại toàn diện, bền vững và hiệu quả hơn tại Việt Nam.
Dự án SwissTrade tập trung vào việc thúc đẩy các điều kiện khung kinh tế theo định hướng thị trường, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam nâng cao thành tích xuất khẩu và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp một cách bền vững thông qua việc cải thiện các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển xuất nhập khẩu, tăng cường cơ chế đối thoại công-tư và phát triển hệ sinh thái năng động hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu.
Gửi phản hồi
In bài viết