Vi rút dại tồn lưu trong môi trường
Mỗi khi nhìn lên di ảnh của chồng là anh Đặng Văn T, chị Đặng Thị Tam, thôn 700, xã Hùng Đức (Hàm Yên) vẫn không thể tưởng tượng được chồng chị lại ra đi đột ngột và đau đớn như vậy. Theo lời chị Tam, trong 1 ngày tháng 4 - 2023, một con chó lạ xuất hiện, xông vào cắn chó của gia đình. Thấy chó cắn nhau không ngừng, anh T. cầm gậy chạy đến xua đuổi liền bị con chó lạ lao đến tấn công vào tay. Lúc đó, chồng chị, bản thân chị cũng chỉ nghĩ chó thấy người lạ cắn thôi chứ không vấn đề gì nên chủ quan không đi tiêm vắc - xin phòng dại. Khoảng 2 tháng sau kể từ ngày bị chó lạ cắn, anh T. liên tục mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng. Khi chị Tam đưa chồng đến cơ sở y tế thì đã quá muộn.
Người dân bị chó cắn đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc - xin phòng dại.
Cũng trong năm 2023, tại xã Ninh Lai (Sơn Dương) bệnh nhi Đặng Hoàng M, sinh năm 2012, thôn Hoàng La 2 tử vong do vi rút dại. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân không rõ bị động vật nghi dại cắn từ bao giờ, gia đình cũng không biết nên không cho trẻ đi khám, tư vấn tiêm huyết thanh, vắc - xin phòng bệnh dại. Ngày 22 - 8 - 2023 bệnh nhân xuất hiện mất ngủ, nói nhảm, người nhà đưa tới cơ sở y tế khám và xét nghiệm. Kết quả bệnh nhân dương tính với vi rút dại.
Trước đó năm 2022, tại huyện Na Hang cũng đã ghi nhận 1 con chó cảnh có biểu hiện ốm, mệt. Ngay sau đó cơ quan chuyên môn đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Kết quả cá thể chó dương tính với vi rút dại, rất may chưa tấn công và gây thương tích cho ai. Tuy nhiên, trong năm 2022 huyện đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại.
Những trường hợp tử vong do bệnh dại và kết quả xét nghiệm của cơ quan chuyên môn đối với cá thể chó cho thấy vi rút dại vẫn đang tồn tại trong cộng đồng, trong khi số lượng đàn chó nuôi trong nhân dân tương đối lớn. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, toàn tỉnh có 93.895 hộ nuôi chó, mèo với tổng đàn gần 164.000 con. Tuy nhiên, công tác quản lý của các gia đình vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Tình trạng chó, mèo thả rông, không rọ mõm hay xích vẫn rất phổ biến, đe dọa sự an toàn của cộng đồng. Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong 3 tháng đầu năm 2024, đã có hơn 900 trường hợp bị chó, mèo tấn công đến tiêm phòng dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023 và là thời điểm có số lượng người tiêm nhiều nhất trong nhiều năm trở lại đây, trong đó một nửa số đó là trẻ em dưới 15 tuổi. Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền vi rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật.
Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh dại
Báo cáo của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó hàng năm tại các địa phương chưa đạt yêu cầu. Năm 2022, mới chỉ có 28,7% tổng đàn chó được tiêm phòng; năm 2023 là 33,7% tổng đàn. 3 tháng đầu năm 2024 cũng mới chỉ có 5% tổng đàn chó được tiêm.
Bác sỹ Nguyễn Huy Toàn, Khoa phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Một khi phát bệnh, tỷ lệ tử vong gần 100% và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vi rút dại có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua mọi loại vết thương hở, không phân biệt lớn nhỏ, chảy máu hay không. Bệnh có thời gian ủ bệnh phức tạp, có thể chỉ từ 7 - 10 ngày hoặc kéo dài đến vài tuần, vài năm, phụ thuộc vào tình trạng và vị trí vết cắn. Vết thương càng gần hệ thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ, ngón tay… có thời gian ủ bệnh càng ngắn.
Bác sỹ Toàn khuyến cáo, khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn, cào, cần sơ cứu vết thương để giảm thiểu lượng vi rút dại tại vết cắn. Các bước sơ cứu có thể thực hiện ngay tại nhà gồm rửa sạch vết thương dưới vòi nước sạch bằng xà phòng trong 15 phút, sau đó rửa lại vết thương bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn i-ốt. Sau bước sơ cứu, cần đến ngay cơ sở tiêm chủng gần nhất để được thăm khám và đưa ra chỉ định tiêm ngừa phù hợp. Tuyệt đối không nên nặn máu, chà xát, tránh gây dập nát, không băng kín vết thương khiến vi rút dại xâm nhập nhanh hơn vào cơ thể. Đặc biệt, không tự ý sử dụng các loại thuốc nam để chữa trị.
Kiểm soát, ngăn ngừa bệnh dại, ngành chức năng đã và đang triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tăng cường giám sát dịch bệnh, nhất là khu vực có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện xử lý không để dịch bệnh lây lan, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống, nhất là tiêm phòng bao vây ổ dịch. Các cơ quan chức năng, các địa phương tiến hành rà soát thống kê số hộ nuôi chó mèo và yêu cầu cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành nuôi nhốt chó mèo; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để người nuôi chó mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, rọ mõm khi đưa chó ra ngoài; đảm bảo việc tiếp cận vắc - xin phòng bệnh dại cho người, phổ biến địa chỉ các điểm tiêm phòng bệnh dại và truyền thông hướng dẫn người dân bị chó mèo cắn đến ngay các cơ sở y tế để điều trị dự phòng kịp thời. Hiện toàn tỉnh có 9 điểm tiêm phòng dại tạo điều kiện để người dân không may bị chó, mèo tấn công tiêm phòng theo quy định.
Đồng chí Vũ Minh Thảo, Trưởng phòng Thú y, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản cho rằng, ngoài sự nỗ lực của ngành chuyên môn, người nuôi chó, mèo cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ vật nuôi và bảo vệ sức khỏe cho chính mình và cộng đồng. Làm được điều này mới kiểm soát được bệnh dại.
Gửi phản hồi
In bài viết