Thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng, mỗi trẻ trên địa bàn huyện Lâm Bình sau khi sinh sẽ được tiêm phòng miễn phí ba mũi vắc- xin 5 trong 1 ở các tháng thứ hai, thứ ba và thứ tư. Khi trẻ 18 tháng tuổi sẽ được tiêm nhắc lại bằng vắc-xin DPT. Trong năm 2023, các trạm y tế trên địa bàn huyện luôn trong tình trạng chờ nguồn cung ứng vắc-xin, nhất là vắc-xin 5 trong 1 và vắc-xin IPV không đáp ứng đủ theo nhu cầu thực tế.
Cán bộ Trạm Y tế xã Hùng Đức (Hàm Yên) tuyên truyền cho người dân về tác dụng của tiêm vắc - xin.
Chị Ma Thị Thanh, xã Thổ Bình (Lâm Bình) không khỏi lo lắng khi con mình được tám tháng tuổi nhưng vẫn chưa được tiêm đủ vắc-xin mũi 5 trong 1. Chị nói: “Dù đã được các y, bác sỹ của Trạm y tế xã giải thích về tình hình thiếu vắc-xin nhưng tôi vẫn lo lắng cho sức khỏe của con mình. Sức đề kháng của cháu còn yếu, bệnh sởi đang xuất hiện ở một số tỉnh, thành và hiện đang là thời điểm giao mùa nên dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Tôi mong sớm có vắc-xin để con được phòng bệnh tốt nhất”. Ở xã Thổ Bình hiện có 68 trẻ dưới 1 tuổi phải tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu vắc xin, nên hiện có 22 trẻ phải hoãn tiêm hoặc chưa tiêm đủ ba mũi.
Trong năm 2023, tình trạng thiếu vắc xin kéo dài khiến lịch tiêm chủng nhiều nơi bị trì hoãn. Nhưng từ đầu năm 2024, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương bắt đầu cung ứng cho tỉnh các loại vắc-xin để tiêm bù và tiêm mới cho trẻ. Tuy nhiên, do số lượng vắc-xin Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cung ứng cho tỉnh mới đáp ứng cho 80% số trẻ có nhu cầu tiêm (chủ yếu là vắc-xin 5 trong 1 và IPV). Xã Hồng Thái (Na Hang) hiện có 23 trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Tính đến cuối tháng 3-2024, có 20 trẻ đã tiêm vắc-xin 5 trong 1, còn lại 3 trẻ đang chờ tiêm phòng vắc-xin 5 trong 1 do gia đình không có điều kiện tiêm vắc-xin dịch vụ. Bác sỹ Ma Văn Tiểng, Trưởng Trạm Y tế xã Hồng Thái cho biết: Với những trường hợp đến lịch tiêm nhưng chưa được tiêm, cán bộ ở trạm đã tăng cường tuyên truyền, tư vấn và giải thích cho gia đình của trẻ hiểu về nguyên nhân thiếu vắc-xin là do vướng mắc trong công tác nhập vắc-xin, là tình trạng chung của cả nước chứ không phải của riêng địa phương nào.
Để bảo đảm thời gian cũng như tiêm đủ liều vắc-xin cho trẻ, nhiều gia đình đã chọn phương án tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để tiêm chủng dịch vụ. Chị Nguyễn Thị Hương, xã Yên Phú (Hàm Yên) cho biết: “Con tôi chưa được tiêm vắc-xin phòng sởi, chậm mất 2 tháng so với quy định. Do không có điều kiện nên tôi chờ khi nào trạm y tế có vắc-xin thì cho cháu tiêm nhưng lo lắm vì hiện giờ bệnh sởi đang diễn biến phức tạp”.
Bác sỹ La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Y tế tỉnh đã tiếp nhận gần 7.000 liều vắc-xin 5 trong 1, còn vắc xin IPV chưa nhận được liều nào. Ngay sau khi tiếp nhận số vắc-xin 5 trong 1, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lập danh sách, phân bổ theo nhu cầu của các huyện, thành phố để tiêm bù cho những trẻ đã đủ thời gian chưa được tiêm và tiêm mới cho trẻ đã đủ thời gian tiêm chủng. Tuy nhiên, số vắc-xin tỉnh tiếp nhận trong năm 2024 mới chỉ đáp ứng 80% số trẻ có đủ thời gian tiêm và tiêm bù, còn lại ngành đang chờ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cấp.
Tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch sẽ giúp bảo vệ trẻ em tránh mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm cũng như hạn chế các biến chứng và giảm nguy cơ tử vong. Việc thiếu vắc-xin là nỗi lo của các bậc phụ huynh, rất cần các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giúp trẻ em được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin để trẻ được phát triển tốt nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết