Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/9. (Ảnh: DUY LINH)
Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán
Sáng 12/9, cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kiểm toán nhà nước cần chú trọng nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm toán.
Hoạt động kiểm toán phải góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần tăng cường việc thực hiện chủ trương kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong công tác kiểm toán.
Về định hướng công tác kiểm toán thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, kiểm toán phải có trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa; tiếp tục đề cao tính công khai, khách quan, minh bạch, khách quan, trung thực.
“Công khai, minh bạch là một trong những “vũ khí” quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán”, Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị Kiểm toán nhà nước phải tư vấn chuyên nghiệp hơn, phản biện sâu sắc hơn và xử lý sai phạm nghiêm khắc hơn.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần đề cao tính công khai, khách quan, minh bạch, trung thực trong hoạt động kiểm toán. (Ảnh: DUY LINH)
Đặc biệt, cần lưu ý những sai phạm trong việc ban hành văn bản. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong năm nay, Kiểm toán nhà nước tập trung đánh giá tác động và hậu quả của việc làm sai này để đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc ban hành văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng mong muốn Kiểm toán nhà nước tiếp tục nâng cao chất lượng trong hoạt động về dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách. Đồng thời, quan tâm kiểm toán các vấn đề trọng tâm, trọng điểm mà Quốc hội đã ban hành Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 5, như: tín dụng ngân hàng; rủi ro kinh tế vĩ mô; khó khăn trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; in, phát hành, chiết khấu sách giáo khoa; thị trường bảo hiểm nhân thọ; năng lực về điện và giá điện...
Chú trọng kiểm toán vấn đề dư luận, cử tri quan tâm
Cho ý kiến vào báo cáo của Kiểm toán nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu thực tế, trong những năm qua, kiến nghị kiểm toán rất nhiều nhưng thực hiện kiểm toán không cao và không rõ nguyên nhân. Từ đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần giải trình về vấn đề này, trong đó rà soát các trường hợp kiến nghị kiểm toán chưa phù hợp để báo cáo Chính phủ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc kết luận, kiến nghị còn chung chung, không cụ thể, thiếu tính khả thi trong tổ chức thực hiện.
Ngoài những nội dung kiểm toán năm 2024 nêu trong báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị Kiểm toán nhà nước cân nhắc tập trung vào một số chuyên đề trọng tâm như: giải ngân vốn đầu tư công các dự án trọng điểm quốc gia; một số tồn tại của ngành điện; vấn đề năng lượng; tái cơ cấu và xử lý nợ xấu….
“Đây là những nội dung cử tri rất quan tâm, đề nghị Kiểm toán nhà nước nghiên cứu, cân nhắc đưa vào nội dung kiểm toán năm 2024”, Trưởng Ban Công tác đại biểu nói.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của Kiểm toán nhà nước đã có nhiều đổi mới, đột phá trong thực hiện nhiệm vụ; đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả, tính phản biện, siết chặt kỷ luật, kỷ cương về tài chính, giảm tỷ lệ sai phạm.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm để phục vụ cho việc kiểm soát quyền lực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm.
Về kế hoạch năm 2024, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường đánh giá thực tiễn các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính tiền tệ, những vấn đề liên quan nợ công, bội chi ngân sách, tín dụng ngân hàng, sử dụng vốn đầu tư công; nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước và dự án quan trọng quốc gia.
Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức kiểm toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp thu ý kiến hoàn chỉnh báo cáo, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Gửi phản hồi
In bài viết