Đội Quản lý thị trường số 1 (thành phố Tuyên Quang) kiểm tra hàng hóa
của hộ kinh doanh trên địa bàn. Ảnh: Trần Liên
Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như kiểm tra, kiểm soát chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại; chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, không qua kiểm dịch, gian lận thương mại về đo lường; kiểm tra kiểm soát về công tác an toàn thực phẩm, chống găm hàng, việc thực hiện các quy định về giá...
Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường cuối năm 2020, trước trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; chỉ đạo đội quản lý thị trường các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý địa bàn. Theo đó, cục đã phát hiện 13 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu; 6 vụ kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; 2 vụ kinh doanh không rõ nguồn gốc; 8 vụ vi phạm khác trong kinh doanh. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là gần 162 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu chờ bán là gần 235 triệu đồng, giá trị hàng hóa tiêu hủy là 7,3 triệu đồng.
Cục quản lý thị trường đã phối hợp với các sở, ngành kiểm tra cửa hàng kinh doanh quần áo của gia đình ông Nguyễn Thu Đông, xã Thái Hòa (Hàm Yên). Quá trình kiểm tra phát hiện tại cửa hàng và kho chứa của ông Đông đang kinh doanh hơn 500 bộ quần, hơn 500 lọ hoa, hơn 30 bộ khay cốc, chén... đều do Trung Quốc sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Đông về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 60,77 triệu đồng, phạt tiền 30 triệu đồng và tịch thu toàn bộ số hàng nhập lậu nói trên. Mới đây nhất, ngày 28-12-2020, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Sơn, tổ dân phố Cầu Mới, thị trấn Tân Yên (Hàm Yên) về hành vi vi phạm hành chính là bán hàng quần áo giả mạo nhãn hiệu...
Các mặt hàng vi phạm kinh doanh bị tịch thu về kho của Cục Quản lý thị trường tỉnh.
Tại các chợ đầu mối như chợ Tam Cờ, chợ Phan Thiết (TP Tuyên Quang) và nhiều chợ khác ở địa bàn các xã, thị trấn, những ngày cận Tết, sức mua các mặt hàng thực phẩm, đồ gia dụng tăng cao. Các cửa hàng đều đầy ắp hàng hóa với đủ chủng loại và màu sắc bắt mắt. Những mặt hàng thu hút người tiêu dùng mua sắm nhiều nhất vẫn là bánh kẹo, áo quần, đồ gia dụng... Theo nhận định của lực lượng chức năng, các chợ đầu mối là nơi có số lượng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trà trộn vào nhiều nhất.
Để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với Ban Quản lý chợ Tam Cờ và các chợ tích cực tuyên truyền, vận động tiểu thương, hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Chị Nguyễn Thị Nhung, tiểu thương chợ Tam Cờ cho biết: “Chúng tôi thường xuyên được cán bộ quản lý thị trường nhắc nhở bán hàng đúng giá, có xuất xứ rõ ràng, không có tình trạng nhập hàng trôi nổi để bán cho khách”.
Ông Hoàng Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho biết, hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn thời gian qua diễn biến phức tạp, với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt trong dịp trước Tết Nguyên đán, hoạt động này ngày càng diễn ra rầm rộ với nhiều thủ đoạn như: Thường xuyên thay đổi tuyến vận chuyển, địa điểm giao nhận hàng hóa để tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; gia cố thêm các ngăn, hầm bí mật chứa hàng hóa; gửi hàng hóa qua các phương tiện vận tải của các doanh nghiệp bưu chính... Để ổn định thị trường trong dịp Tết, Cục sẽ phối hợp với các ngành chức năng tăng cường vận động doanh nghiệp, người tiêu dùng không tiếp tay cho buôn lậu; không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...
Gửi phản hồi
In bài viết