Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, thời gian qua, xuất hiện một số doanh nghiệp đã thoái thác trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm tổng giao xăng dầu mà Bộ đã phân. Người đứng đầu ngành Công Thương đề nghị, với vai trò, trách nhiệm chính trị của mình, các doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu cần báo cáo thẳng thắn kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua trong việc nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung xăng dầu.
Sau khi nghe Vụ Thị trường trong nước báo cáo về những khó khăn, thách thức của thị trường xăng dầu thế giới và Việt Nam, đại diện các doanh nghiệp đầu mối về xăng dầu thuộc nhà nước quản lý đều khẳng định thời gian qua, việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu rất khó khăn.
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn đã bảo đảm Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn hoạt động ổn định với công suất cao hơn công suất thiết kế, ở thời điểm hiện tại đạt 109% công suất. Đối với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các đối tác để vận hành nhà máy ổn định, bảo đảm sản lượng sản xuất và giao hàng cho thương nhân đầu mối đủ hoặc cao hơn hợp đồng đã ký kết. Hiện Nghi Sơn đang hoạt động 100% công suất. Trong những tháng tới, bên cạnh các giải pháp đang triển khai hiện nay, Petrovietnam sẽ tiếp tục cùng các đối tác có nhiều giải pháp hỗ trợ giao nhận, điều chỉnh quá trình sản xuất - tiêu thụ đồng bộ để có thể đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.
Còn theo đại diện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), cho đến hết tháng 10-2022, PVOil đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước tính hết năm 2022 sẽ đạt khoảng gần 4 triệu m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000 m3/tấn. Bên cạnh đó, PVOil cũng đang nỗ lực thực hiện pha chế xăng bổ sung nguồn cung trong nước.
Trong khi đó, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho hay, Petrolimex đã nghiêm túc triển khai, thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công Thương với tinh thần trách nhiệm cao nhất và trong phạm vi nguồn lực của mình, thậm chí chấp nhận thiệt thòi về hiệu quả kinh tế khi phải mua hàng với giá cao để bảo đảm nguồn. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, Petrolimex đã tạo nguồn 7.347.000 m3/tấn xăng dầu, vượt 26% so với kế hoạch được phân giao trong 9 tháng là 5.775.000 m3/tấn, tương đương 95% kế hoạch được phân giao cả năm 2022 là 7,7 triệu m3/tấn. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng cao đột biến trên phạm vi cả nước, trong sản lượng Bộ Công Thương phân giao cho Petrolimex trong quý IV-2022 là 2.145.000 m3/tấn, bình quân 715.000 m3/tháng, riêng tháng 10-2022, Tập đoàn đã tạo nguồn và xuất bán 879.000 m3/tấn. Tháng 11 đã lên kế hoạch tạo nguồn tháng cao nhất trong lịch sử Tập đoàn là 1.156.000 m3/tấn, tương đương 140% kế hoạch được giao. Tháng 12 đặt mục tiêu tạo nguồn khoảng 1 triệu m3/tấn.
Dù vậy, lãnh đạo Petrolimex cho rằng, sức chống chịu của doanh nghiệp cũng chỉ có giới hạn, những giải pháp đã thực hiện chỉ mang tính ngắn hạn, tình thế, cần có các giải pháp mang tính lâu dài, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.
Báo cáo tại cuộc họp, lãnh đạo Tổng công ty Xăng dầu Quân đội và một số doanh nghiệp như: Công ty TNHH MTV Dầu khí thành phố Hồ Chí Minh… cho biết, với trách nhiệm của mình đã thực hiện đầy đủ theo số lượng phân giao của Bộ Công Thương với kết quả đều đạt và vượt trong 10 tháng năm 2022.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, vấn đề năng lượng là vấn đề toàn cầu và khủng hoảng năng lượng đã và đang rất gay gắt. Tuy nhiên, năng lượng nói chung, xăng dầu nói riêng là vật tư chiến lược nên trong mọi tình huống cũng không được phép để đứt gãy nguồn cung.
Để đạt được mục tiêu này, đặc biệt là để giải quyết những địa bàn đã và đang có hiện tượng đứt gãy cục bộ, Bộ trưởng đề nghị các doanh nghiệp nhà nước khẩn trương xem xét để xuất dự trữ thương mại, đáp ứng nhu cầu cho hệ thống của mình và ứng cứu cho những địa bàn đang thiếu hụt cục bộ trong thời điểm hiện tại.
Bộ trưởng đề nghị Petrovietnam chỉ đạo và làm việc với 2 nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn tiếp tục vận hành tối đa và vượt công suất để tiếp tục cung ra thị trường xăng dầu thành phẩm, đáp ứng nhu cầu của đất nước; đề nghị tất cả các doanh nghiệp đầu mối cả nhà nước và tư nhân có điều kiện khẩn trương hoàn tất các thủ tục nhập khẩu xăng dầu, theo kế hoạch phân giao.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp từ đầu mối, tới thương nhân phân phối, đại lý, doanh nghiệp bán lẻ không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật…
Gửi phản hồi
In bài viết