Với bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm của người Việt để nhìn lại những gì đã qua và gửi gắm những ước vọng tốt đẹp trong năm mới.
Bà Trần Thị Chang, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam, tại Lễ hội Tết Việt 2024.
Theo bà Chang, năm nay, bà con kiều bào rất vui khi được tham gia Lễ hội Tết Việt 2024 ngay giữa lòng thủ đô Kuala Lumpur. Lễ hội có sự tham gia của hơn 1.000 quan khách, cộng đồng người Việt và hàng loạt hoạt động ngày xuân như âm nhạc, gói bánh chưng, trò chơi dân gian, múa lân, làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp...
Sự kiện đã thực sự để lại tiếng vang vì đã mang đến một không gian văn hóa độc đáo, giúp mọi người có thể trải nghiệm và khám phá vẻ đẹp truyền thống của Việt Nam. Bên cạnh đó, lễ hội đã mang không khí Tết Việt đến thật gần với những người con xa quê hương, để lại ấn tượng sâu sắc về nét đẹp truyền thống và tâm hồn Việt đối với người bản xứ và bạn bè quốc tế.
Người dân Malaysia vui mừng trải nghiệm văn hóa Tết Việt.
Theo bà Chang, sự thành công và trọn vẹn của lễ hội không chỉ đến từ ẩm thực và âm nhạc, mà hơn hết là từ những tâm hồn, trái tim, sự đóng góp công sức của những người Việt xa quê, sẵn sàng cháy hết mình cho lễ hội, vì một cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia lớn mạnh và đoàn kết.
Tại Cộng hòa Séc, bà Nguyễn Thị Diệu Linh - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc cho biết, năm nay, Đại sứ quán Việt Nam phối hợp với Hội Người Việt Nam tại Séc và Công ty cổ phần Saparia tổ chức sum họp Xuân quê hương Giáp Thìn 2024. Chương trình giúp bà con vơi bớt nỗi nhớ nhà trong dịp Tết đến, xuân về.
.jpg
Bà Nguyễn Thị Diệu Linh - Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Séc và gia đình bên những chiếc bánh chưng vừa gói.
Dù ở xa quê hương, nhưng hầu hết người Việt tại Séc đều gìn giữ phong tục truyền thống khi đón năm mới. Gia đình bà Linh cũng làm mâm cỗ thắp hương tiễn ông Công, ông Táo và cùng mọi người gói bánh chưng ăn Tết. Đối với bà Linh, đây là cách giữ gìn phong tục của Việt Nam trong gia đình từ những điều giản dị nhất. Tết sẽ có ý nghĩa hơn khi bố mẹ cùng các con chuẩn bị từ lá, gạo, thịt, đậu và gói những chiếc bánh chưng chuẩn bị cho mâm cỗ ngày Tết cổ truyền Việt Nam.
Tại Anh, bà Quỳnh Giao, nhà sáng lập và điều hành tổ chức từ thiện Gia Đình Việt (VFP) cho biết, năm nay, VFP phối hợp với Hội người Việt Nam tại Anh tổ chức chương trình chào đón xuân Giáp Thìn vô cùng sôi nổi với những trò chơi dân gian, như múa sạp, múa sư tử, thi kéo co, thi gói bánh chưng xanh, biểu diễn võ dân tộc... Đối với nhiều bà con người Việt tại Anh, hoạt động này như một “bếp lửa hồng” để sưởi ấm lòng người trong dịp Tết đến, xuân về.
"Tết Việt, phong tục của người Việt và những khoảnh khắc hồi hộp, phấn khởi, vui tươi vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người con xa xứ. Đây là năm thứ 20 tôi tham gia tổ chức Tết Việt cho cộng đồng. Mỗi năm đều mang dấu ấn khác nhau và tôi trân trọng sự may mắn và niềm tự hào này. Điều đáng mừng của sự kiện năm nay là có thêm rất nhiều bạn trẻ tham gia", bà Quỳnh Anh cho biết.
Người Việt tại Anh hào hứng tham gia các hoạt động trong chương trình chào đón xuân Giáp Thìn.
Tại Canada, bên cạnh các hoạt động đón Tết trong cộng đồng, nhiều gia đình cũng làm các món ăn truyền thống trong dịp năm mới cổ truyền.
Bà Đỗ Quỳnh Anh cho biết, dù mới sang định cư tại thành phố Regina (Canada), song bà cùng một số người Việt tại đây đã tổ chức gói bánh chưng, làm giò, mua câu đối trang trí trong dịp Tết.
Không có nhiều thời gian để chuẩn bị đầy đủ các món ăn truyền thống như ở quê hương, bà Phạm Quỳnh Trang, sống tại Paris (Pháp) đã đặt làm bánh chưng để bày mâm cúng gia tiên ngày 30 Tết. Bà Trang cho biết, sáng ngày mùng 1, cả gia đình sẽ đoàn tụ ăn mừng năm mới, sau đó cùng đi chùa cầu cho một năm bình an, tốt lành.
Người Việt tại Hungary đón Tết.
Gửi phản hồi
In bài viết