Kinh doanh nền tảng đóng góp khoảng 10% trong GDP của Việt Nam

Đó là một trong những nội dung chính được đề cập trong Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố tại hội thảo Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam tổ chức sáng 19/2.

Quang cảnh hội thảo Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo Phát triển kinh doanh nền tảng: Động lực cho tăng trưởng kinh tế số Việt Nam.

Với chủ đề Nhận diện tác động của kinh doanh nền tảng (platform) tới nền kinh tế Việt Nam, Báo cáo nghiên cứu của CIEM tập trung vào một số nội dung chủ yếu.

Đó là thực trạng phát triển kinh doanh nền tảng ở Việt Nam; phân tích, nhận diện các tác động kinh tế của dịch vụ kinh doanh nền tảng tới nền kinh tế cũng như kinh nghiệm chính sách về phát triển kinh tế nền tảng và nhận diện các khoảng trống pháp lý, từ đó đề xuất, kiến nghị thúc đẩy phát triển kinh tế nền tảng, tạo hệ sinh thái số…

Phát biểu tại hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, hai năm gần đây, Việt Nam liên tục được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á.

Doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới; quy mô thị trường gọi xe mở rộng nhanh chóng; thị trường giao đồ ăn trực tuyến xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á (năm 2023)...

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước hiện có 50.350 doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, cao hơn mục tiêu 48.000 doanh nghiệp của Chính phủ. Sự tăng trưởng nhanh về doanh nghiệp công nghệ số tạo nền tảng mở rộng và phát triển các dịch vụ kinh doanh số, trong đó có các dịch vụ nền tảng.

Kinh tế số ở Việt Nam liên tục tăng trưởng nhanh, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP các năm từ 2020-2023 lần lượt là 12,66%, 12,88% 12,63%, 12,33% và tăng lên 18,3% trong nửa đầu năm 2024, trở thành động lực để Việt Nam thực hiện mục tiêu về tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, trên thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều hoạt động kinh doanh nền tảng, đưa tỷ lệ đóng góp của ngành vào GDP chung của nền kinh tế đạt khoảng 10%.

Riêng kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực vận tải chiếm 16,8% giá trị tăng thêm của ngành nền tảng, tương đương 1,7% GDP của nền kinh tế (năm 2022).

Đặc biệt, đối với hai vùng trọng điểm phát triển của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, dịch vụ kinh doanh nền tảng trong lĩnh vực giao thông vận tải đã đóng góp tương ứng lần lượt là 2,7% và 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của hai vùng này.

Tham luận tại hội thảo, ông Alejandro Osorio, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho biết, trong 10 năm qua, Grab đã không ngừng mở rộng và phát triển tại Việt Nam, khẳng định niềm tin mạnh mẽ vào chuyển đổi số và tạo ra nhiều tác động tích cực đối với người và nền kinh tế.

Từ những ngày đầu có mặt tại Việt Nam, bắt đầu từ việc hỗ trợ các tài xế taxi và xe ôm lên nền tảng số, Grab đã góp phần nâng cao hiệu suất di chuyển, hỗ trợ ngành du lịch, gia tăng tính an toàn và thúc đẩy phát triển đô thị.

Không dừng lại ở lĩnh vực vận tải, Grab mở rộng sang lĩnh vực vận tải (logistics) với dịch vụ GrabExpress, giúp tối ưu hóa giao nhận và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trong đại dịch và cả giai đoạn hậu Covid-19, GrabFood và GrabMart đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà hàng, cửa hàng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đồng thời tạo thêm cơ hội thu nhập cho các đối tác tài xế.

Hệ sinh thái của Grab vận hành theo một vòng tuần hoàn bền vững, trở thành nền tảng được hàng triệu người Việt Nam tin dùng, không chỉ trong lĩnh vực di chuyển mà còn ở nhiều dịch vụ khác, góp phần thúc đẩy nền kinh tế số phát triển nhanh.

Theo CIEM, ngành kinh doanh nền tảng không chỉ kích thích giá trị tăng thêm, thu nhập và cơ hội việc làm cho người lao động của chính ngành đó mà còn kích thích giá trị tăng thêm, thu nhập và cơ hội việc làm cho lao động của các ngành khác trong nền kinh tế.

Sự xuất hiện của kinh doanh nền tảng cũng đã thúc đẩy các cơ quan hoạch định chính sách nghiên cứu, nhanh chóng hoàn thiện khung khổ pháp lý nhằm quản trị linh hoạt, kịp thời nhưng vẫn đảm bảo khuyến khích sự sáng tạo đối với xu hướng phát triển mới, mô hình kinh doanh mới; qua đó khai thác hiệu quả lợi ích của các xu hướng và mô hình kinh doanh này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục