Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị Big C (Hà Nội). (Ảnh CẨM ANH)
Xu hướng cải thiện của kinh tế Việt Nam trở nên rõ nét hơn khi nhiều lĩnh vực của nền kinh tế tiếp tục duy trì xu hướng tích cực hơn so tháng trước và so cùng kỳ; chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tăng trở lại trên ngưỡng 50, doanh nghiệp bắt đầu tăng lượng đơn đặt hàng mới sau nhiều tháng suy giảm.
Vượt qua trở ngại
Những điểm sáng được ghi nhận trong bức tranh kinh tế tại thời điểm hiện nay là sản xuất công nghiệp tháng 8/2023 tăng trưởng tích cực hơn so tháng trước và so cùng kỳ, trong đó một số ngành trọng điểm như sản xuất kim loại; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; sản xuất chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống… tăng mạnh.
Hoạt động thương mại và dịch vụ duy trì mức tăng cao với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so cùng kỳ; cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 20,19 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 5,26 tỷ USD).
Ngành du lịch tăng trưởng tốt nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhằm thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
Giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ và tăng mạnh về con số tuyệt đối, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện đầu tư công nhằm tạo động lực tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 8/2023 đã khởi sắc hơn tháng trước, tăng cả về số doanh nghiệp thành lập mới, vốn và số lao động đăng ký.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả khả quan trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và khu vực; tổng vốn đầu tư nước ngoài tám tháng năm 2023 đạt 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so cùng kỳ cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục quan tâm, tin tưởng và kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế Việt Nam.
Chia sẻ về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 trong sự kiện do Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) tổ chức mới đây, ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh ba yếu tố chính:
Suy giảm trên toàn cầu đang diễn ra rõ rệt, các đối tác thương mại chính của Việt Nam như Mỹ, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam do xuất khẩu suy giảm, khiến nền kinh tế đối diện với rủi ro.
Tiêu dùng cá nhân đã giảm tốc sau giai đoạn bật tăng do bị nén mạnh trong thời kỳ dịch Covid-19. Đầu tư của khu vực tư nhân đã giảm mạnh. Như vậy, sự suy giảm cầu bên ngoài cùng với cầu trong nước yếu đi là nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam chững lại rõ rệt trong nửa đầu năm 2023.
Tín hiệu tích cực là hoạt động xuất, nhập khẩu đã bắt đầu tăng trở lại, mở ra kỳ vọng về triển vọng phục hồi của các doanh nghiệp. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công đang được cải thiện so với nửa đầu năm, góp phần hỗ trợ tăng trưởng.
Theo ông Coppola, tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm sẽ chủ yếu dựa vào tiêu dùng trong nước, đầu tư công. Nền kinh tế đang vượt qua trở ngại, dự báo sẽ phục hồi dần từ đầu năm 2024 và tăng mạnh mẽ hơn từ năm 2025.
Đây cũng là quan điểm của ông Motokatsu Ban, Giám đốc Ngân hàng Mizuho Hà Nội. Vị chuyên gia cho rằng, kinh tế Việt Nam vừa qua tăng trưởng chậm lại, đặc biệt trong môi trường kinh tế vĩ mô phức tạp. Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp để duy trì đà tăng trưởng kinh tế, tiếp tục thu hút dòng vốn FDI.
Điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã phục hồi trong những tháng gần đây. Nền kinh tế có nền tảng vững chắc, có triển vọng tăng tốc trong những năm sau.
Hiện nay, diễn biến kinh tế toàn cầu vẫn gây bất lợi đến tình hình trong nước nhưng có nền tảng vững chắc và có triển vọng để kinh tế Việt Nam tăng tốc trong những năm tiếp theo, khi những yếu tố bất lợi từ bên ngoài giảm đi.
Cần giải pháp hiệu quả trong ngắn hạn
Theo quan điểm của các chuyên gia kinh tế, rất khó để đưa ra các giải pháp có thể xoay chuyển tình thế trong nửa cuối năm 2023 nhưng tăng trưởng kinh tế chững lại đòi hỏi Chính phủ phải có hành động chính sách hiệu quả trong ngắn hạn, đem lại tác dụng hỗ trợ cho phục hồi từ đầu năm 2024.
Ngân hàng Thế giới khuyến cáo chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa cho giảm lãi suất, cũng không thể đem lại nhiều tác dụng vì nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay không cao.
Do đó, cần có các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa và thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, cần cải cách cơ cấu để nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong trung và dài hạn với các chính sách đầu tư cho lĩnh vực năng lượng; xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, nỗ lực chống chịu biến đổi khí hậu toàn cầu…
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, mặc dù nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn nhưng thời gian tới có nhiều cơ hội cho các động lực tăng trưởng chính, gồm xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công, thu hút FDI. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đang triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy, tạo động lực đột phá để tăng trưởng kinh tế.
Một số động lực chính, đặc biệt là đầu tư công, được tập trung đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển, bên cạnh các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, hỗ trợ gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất…
Đáng lưu ý, những năm gần đây, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chủ động tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công mạnh mẽ ngay từ đầu năm.
Kết quả là giải ngân vốn đầu tư công tám tháng năm 2023 cao hơn so cùng kỳ năm trước cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối. Do đó có cơ sở để tin tưởng vào khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 có thể đạt mục tiêu đề ra là khoảng 95%.
Để đạt được kết quả phát triển kinh tế-xã hội cao nhất trong những tháng còn lại của năm 2023, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ cần tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách tài khóa và tiền tệ Quốc hội đã thông qua; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa, chính sách vĩ mô khác;
Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành ứng phó các tình huống phát sinh; đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước, nhất là các mặt hàng có nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung; kịp thời có giải pháp hỗ trợ một số ngành, lĩnh vực chịu tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...
Gửi phản hồi
In bài viết