Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank). Ảnh: Đỗ Tâm
Tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn
Theo Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (có hiệu lực từ ngày 1-9-2023), các tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Quy định này tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn.
Dẫn đầu làn sóng cho vay trả nợ tại tổ chức tín dụng khác là các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có gói tín dụng với lãi suất từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Sau thời gian này, lãi suất sẽ được áp dụng theo thực tế. Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng lãi suất vay từ 6,8%/năm. Khách hàng có thể được vay vốn với thời gian lên đến 30 năm, có thể dùng chính tài sản bảo đảm đang thế chấp tại tổ chức tín dụng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng, người thân...
Còn Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) hỗ trợ khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với lãi suất từ 5,6%/năm (mục đích sản xuất, kinh doanh) và 7,5%/năm (mục đích vay tiêu dùng).
Đáng chú ý, mức cho vay để trả nợ trước hạn tại 3 ngân hàng trên đều lên tới 100% dư nợ gốc còn lại tại ngân hàng khác và khách hàng được ân hạn nợ gốc lên tới 24 tháng.
Không chỉ khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần cũng triển khai chương trình này, với lãi suất khá hấp dẫn. Chẳng hạn, lãi suất cho vay của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB)… cũng chỉ khoảng 7,7%-8%/năm trong năm đầu.
Thêm sức ép giảm lãi suất
Với chính sách áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 7%/năm, lợi thế đang thuộc về các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Trong bối cảnh nguồn vốn cho vay của các ngân hàng khá dư dả như hiện nay, việc áp dụng nhiều ưu đãi hơn sẽ là ưu thế cho các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước nên nhiều người đặt ra kịch bản có hay không cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc thu hút khách hàng vay vốn?
Lãnh đạo khối khách hàng cá nhân của một ngân hàng cổ phần ở Hà Nội thừa nhận, lãi suất cho vay mua nhà tại ngân hàng này cao hơn các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước 1-2%/năm nên khách hàng hiện có của ngân hàng có thể được mời chào vay vốn để trả nợ trước hạn.
Nhiều ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ cũng chia sẻ lo lắng về làn sóng chuyển đổi nguồn vốn vay từ ngân hàng nhỏ sang ngân hàng lớn có thể xảy ra trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng 8 tháng năm 2023 chưa như kỳ vọng.
Từ góc độ doanh nghiệp, nếu có thêm tài sản bảo đảm, việc chuyển đổi khoản vay từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để được hưởng lãi suất thấp sẽ rất đơn giản. Hoặc khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng đang cho vay giảm lãi suất. Khi đó, sức ép giảm lãi suất cho vay sẽ lan tỏa toàn thị trường, thúc đẩy người dân vay tiền mua nhà, hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục. Đây chính là tác dụng cốt lõi của chính sách ngân hàng cho vay để trả nợ ngân hàng khác.
Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, ngân hàng xác định khách hàng vay tiêu dùng là phân khúc khách hàng bền vững, có dư nợ ổn định và gắn bó với ngân hàng. Do đó, Sacombank sẵn sàng triển khai các giải pháp tốt nhất để giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới khi có nhu cầu chuyển đổi dư nợ sang Sacombank.
Các chuyên gia tài chính cũng nhận định, chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho khách hàng được chọn lựa ngân hàng vay vốn nhưng cũng gia tăng áp lực, buộc các ngân hàng phải nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh về lãi suất.
Tuy nhiên, thực tế cũng không dễ để có một làn sóng chuyển các khoản nợ từ nhóm ngân hàng lãi suất cao sang lãi suất thấp, vì hầu hết các ngân hàng sẽ cố gắng giữ lại khách hàng tốt bằng việc cạnh tranh giảm lãi suất và các chương trình ưu đãi. Ngoài ra, khi tất toán khoản vay trước hạn, ngoài các chi phí phát sinh cho khoản vay mới, phí trả trước hạn từ 0,5 đến 3%/tổng dư nợ cũng là câu chuyện khách hàng phải cân nhắc.
Gửi phản hồi
In bài viết