Bộ Chỉ số DDCI gồm 12 chỉ số thành phần, 24 tiêu chí đánh giá, trong đó, bao gồm 8 chỉ số thành phần chung với 16 tiêu chí đánh giá; 2 chỉ số thành phần đặc thù cho các huyện, thành phố với 4 tiêu chí đánh giá; 2 chỉ số thành phần đặc thù cho các sở, ban, ngành với 4 tiêu chí đánh giá gồm: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; văn hóa giao tiếp, cơ sở vật chất khi giải quyết công việc, thủ tục hành chính; chi phí thời gian khi giải quyết công việc, thủ tục hành chính; tính năng động; chi phí không chính thức; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thiết chế pháp lý; cạnh tranh bình đẳng. Các chỉ số thành phần đặc thù cho huyện, thành phố gồm: An ninh trật tự; tiếp cận đất đai.
Với môi trường đầu tư thuận lợi, huyện Chiêm Hóa đã thu hút nhiều dự án triển khai trên địa bàn,
góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 5 vừa qua, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh tỉnh đã tổ chức công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, huyện, thành phố (DDCI) năm 2022. Theo đó, đã có 1.919 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh tham gia khảo sát. Kết quả, đối với cấp huyện, Sơn Dương đứng đầu với 87,71/100 điểm; Chiêm Hóa đứng thứ 2 với 86,47 điểm; Hàm Yên xếp thứ 3 với 75,85 điểm; Yên Sơn đứng thứ 4 với 73,69 điểm; Na Hang đứng thứ 5 với 49,73 điểm; thành phố Tuyên Quang thứ 6 với 40,64/m điểm; Lâm Bình cuối bảng với 21,11 điểm.
Đồng chí Chẩu Văn Huynh, Trưởng Phòng Tài chính Kế hoạch huyện Lâm Bình cho biết, năm 2022, tổng điểm của huyện Lâm Bình đạt được là 21,11 điểm, xếp thứ 7/7 huyện, thành phố của tỉnh. Ngay sau khi có kết quả, huyện đã triển khai nhiều giải pháp, quyết liệt nhằm cải thiện thứ hạng Chỉ số DDCI. Cụ thể, UBND huyện ban hành kế hoạch về cải thiện Chỉ số DDCI năm 2023 và các năm tiếp theo. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số DDCI của huyện. Các chỉ số, thứ bậc xếp hạng từ bộ Chỉ số DDCI là cơ sở để địa phương nhìn nhận lại mức độ hoàn thành công việc của mình, những hạn chế cần khắc phục, hướng tới điểm mấu chốt là tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.
Là địa phương miền núi, những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của huyện Chiêm Hóa từng bước chuyển dịch sang lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện, đánh giá qua các năm, huyện Chiêm Hóa luôn nằm trong Top dẫn đầu Chỉ số DDCI. Có được kết quả đó là bởi huyện đã chú trọng đến khả năng điều hành của bộ máy chính quyền, đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện (DDCI).
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa cho biết, để khẳng định quyết tâm trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, huyện Chiêm Hóa thực hiện công khai các quy định về thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm các nguyên tắc: Minh bạch, nhanh gọn và được dán công khai tại trụ sở cơ quan, đơn vị nơi trực tiếp giải quyết TTHC. Huyện bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức có năng lực, trách nhiệm để hướng dẫn tổ chức, cá nhân chuẩn bị hồ sơ, tiếp nhận, xử lý các TTHC. Cùng với đó, huyện đã cung cấp thông tin chi tiết về pháp lý, quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các dự án kêu gọi đầu tư… trên Cổng thông tin điện tử của huyện. Các TTHC thuộc thẩm quyền được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả cấp huyện và cấp xã. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc được thực hiện đồng bộ.
Chính sách thu hút đầu tư của huyện Sơn Dương đã giúp công nhân làm việc tại Nhà máy Chế biến rau củ quả xuất khẩu của Công ty TNHH JM Nông sản Hàn Quốc tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng có thu nhập ổn định.
Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, các huyện cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, dịch vụ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tập trung xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã một cách thiết thực, phù hợp, như: Tiếp cận các dịch vụ khoa học, kỹ thuật thông qua hoạt động khuyến công; giới thiệu quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm và trên các sàn thương mại điện tử; tiếp cận và thụ hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, tiếp cận vốn vay ưu đãi…
Ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chia sẻ, các doanh nghiệp hội viên đánh giá cao năng lực điều hành kinh tế, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính và sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp của các huyện trong thời gian qua. Đặc biệt, từ những buổi gặp gỡ và đối thoại thường xuyên của chính quyền với các doanh nghiệp đã góp phần tích cực để đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Qua đó các doanh nghiệp được tiếp cận thông tin về cơ chế, chính sách nhanh hơn, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Đồng thời, các địa phương cũng phải cần chớp lấy thời cơ khi cuối năm nay, tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai được hoàn thành sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, nhanh chóng triển khai và đưa các dự án vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết