Bước phát triển mới

- Năm qua, ngành công nghiệp tỉnh đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng và số lượng. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6% so với năm trước, đóng góp quan trọng vào kết quả tăng trưởng 8,63% GRDP của tỉnh. Đặc biệt, tỉnh đã có sản phẩm giấy được công nhận Thương hiệu Quốc gia, đây là bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghiệp tỉnh nhà.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,6%

Tỉnh đã kịp thời triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, đồng thời hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 như hỗ trợ lãi suất vốn vay, giảm 2% thuế giá trị gia tăng, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ tiêm phòng Covid-19 cho công nhân lao động… Cùng với đó, ngành Công thương đã xây dựng Chương trình khuyến công tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025; thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp…

Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, ngành Công thương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nỗ lực triển khai các biện pháp phòng dịch Covid-19, ứng phó với giá cả nguyên liệu đầu vào tăng và chủ động, linh hoạt tìm giải pháp sản xuất ổn định. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh năm 2022 (giá so sánh 2010) đạt 17.680 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch, tăng 16,6% so với năm 2021.  

May quần áo thời trang xuất khẩu của Nhà máy Seshin VN2 tại Khu công nghiệp Long Bình An.

Tổng Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG đã thực hiện vượt 150% kế hoạch sản xuất năm 2022, đưa 15 chuyền may mới vào sản xuất trong quý I-2022. Ông Nguyễn Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Tuyên Quang LGG cho biết, đã ký kết được đơn hàng xuất khẩu ổn định nên đơn vị giữ được nhịp độ sản xuất, tăng ca, tăng thu nhập cho người lao động. Đơn vị đã đạt kết quả sản xuất  năm 2022 vượt mục tiêu đề ra. Kế hoạch năm 2022, đơn vị phấn đấu đạt 6 triệu sản phẩm, doanh thu đạt 6 - 7 triệu USD nhưng kết thúc năm 2022 đơn vị sản xuất vượt 8,5 - 9 triệu sản phẩm, doanh thu đạt hơn 8 triệu USD. Sản phẩm may mặc của công ty xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu. Đơn vị đang tiếp tục mở rộng sản xuất tại các huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2023.  

Năm 2022, một năm nhiều thách thức nhưng thành công với Công ty cổ phần Giấy An Hòa. Ông Nguyễn Văn Anh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: trong năm 2022, đơn vị sản xuất đạt 100% kế hoạch, sản phẩm bột giấy, giấy in, phô tô thành phẩm xuất bán luôn vượt chỉ tiêu so với kế hoạch đề ra. Cùng với chiến lược sản xuất, kinh doanh thì chiến lược về vùng nguyên liệu được áp dụng các yếu tố mới trong chính sách thu mua như công khai, minh bạch về giá, về sản lượng, chất lượng thu mua...

Sản phẩm bột giấy, giấy thành phẩm được sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất thế giới, minh bạch trong sản xuất, tiêu thụ gắn với phát triển xanh, góp phần phát triển, bảo vệ vùng nguyên liệu rừng trồng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Tháng 11-2022, sản phẩm bột giấy và giấy thành phẩm của Công ty cổ phần Giấy An Hòa được công nhận sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Đây không chỉ là vinh dự của doanh nghiệp mà còn khẳng định được giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng, thương hiệu của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phấn đấu Tuyên Quang trở thành trung tâm chế biến gỗ rừng trồng trong khu vực miền núi phía Bắc.

Thu hút nhiều dự án

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII tiếp tục xác định phát triển công nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, điện tử, may mặc là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã tập trung, huy động các nguồn lực tạo bước đột phá để phát triển công nghiệp, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế, tăng giá trị xuất khẩu như: chế biến gỗ, giấy, điện tử, công nghiệp phụ trợ, vật liệu xây dựng...

Công nhân Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang tập trung sản xuất ngay từ đầu năm.

Trong 2 năm (2021 - 2022) tỉnh đã thu hút được gần 40 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh đã chấp thuận đầu tư cho 17 dự án công nghiệp đầu tư vào khu, cụm công nghiệp trong tỉnh. Hiện có 40% số dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, 60% số dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhiều dự án có quy mô sản xuất lớn đang xây dựng như: Dự án sản xuất các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Tập đoàn An Thịnh Phát; Dự án chế biến gỗ của Công ty TNHH Sao Việt tại Khu công nghiệp Long Bình An;  Dự án Nhà máy sản xuất chế biến nông sản JW tại Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)…

Năm 2022 có một số dự án công nghiệp đi vào sản xuất, gồm: Nhà máy sản xuất vải bạt Tarpaulin; Nhà máy gỗ ván ép, đầu tư tại Khu công nghiệp Long Bình An; DANM bê tông, sản xuất vật liệu xây dựng Thành Hưng tại Năng Khả (Na Hang); Nhà máy Gạch tuynel công nghệ cao Tuyên Quang tại xóm 4, xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang).

Đồng chí Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: gia tăng giá trị về công nghiệp, ngành tiếp tục tham mưu cho tỉnh thành lập mới 2 khu công nghiệp, gồm Khu công nghiệp Ninh Lai - Thiện Kế và Khu công nghiệp trên trục đường kết nối tỉnh Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, mở rộng Khu công nghiệp Long Bình An; thành lập mới 5 cụm công nghiệp. Đồng thời, quy hoạch rõ ngành nghề trong các khu, cụm công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến, chế tạo… để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn.

Bước phát triển mạnh mẽ của công nghiệp thực sự là nền tảng quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục