Phát triển cụm công nghiệp: Phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương

- Quy hoạch, phát triển cụm công nghiệp, các địa phương đã khai thác được tối đa tiềm năng lợi thế về tài nguyên, nguồn lao động, góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.

Nhà máy sản xuất giày da Phúc Sinh, cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) thu hút lượng lớn lao động vào làm việc.

Huyện Yên Sơn là “vựa” gỗ rừng trồng của tỉnh, đặc biệt là gỗ rừng trồng theo tiêu chuẩn FSC. Khai thác tiềm năng lợi thế này, tỉnh đã thành lập cụm công nghiệp Thắng Quân nhằm thu hút các nhà đầu tư chế biến lâm sản.

Ông Đỗ Xuân Hải, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Yên Sơn cho biết, ngay khi cụm công nghiệp Thắng Quân được thành lập đã thu hút 3 dự án sản xuất chế biến gỗ rừng trồng tầm cỡ, gồm: Các nhà máy chế biến gỗ của Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; dự án sản xuất gỗ nội thất ACACIA Việt Nam của Công ty TNHH ACACIA  Woodcarft với tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng và dự án sản xuất đồ gỗ của Công ty TNHH Huling Wood Products Việt Nam. Chỉ riêng Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đã có 3 nhà máy chế biến gỗ được xây dựng tại cụm công nghiệp với công suất chế biến 20.000 m3/tháng/nhà máy.

Ông Lê Quang Khánh, Giám đốc sản xuất, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang phấn khởi cho biết, cụm công nghiệp Thắng Quân được xây dựng đã đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho công ty. Hơn nữa với lợi thế vùng lõi nguyên liệu giúp công ty giảm chi phí, đặc biệt là chi phí vận tải và chủ động trong kế hoạch sản xuất.

Dựa trên những lợi thế đa ngành, nghề và nhu cầu sử dụng lực lượng lớn lao động, cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) cũng đã được thành lập theo Quyết định số 28/QĐ-UBND, ngày 18-1-2019 của UBND tỉnh để thu hút các dự án đầu tư. Báo cáo của UBND huyện Sơn Dương, hiện tại cụm công nghiệp Phúc Ứng đã thu hút được 12 dự án, với tổng mức đầu tư 1.220 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp đạt 93%, trong đó 6 dự án đã đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động sản xuất với nhiều lĩnh vực sản xuất da giày, may mặc, bao bì, linh kiện điện tử, chế biến thức ăn gia súc... Cụm công nghiệp Phúc Ứng được thành lập đã giải quyết việc làm cho 7.000 lao động địa phương, hàng năm đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện khoảng 1.800 tỷ đồng.

Hoạt động trên lĩnh vực sản xuất giày da xuất khẩu, Nhà máy Giày da Phúc Sinh của Công ty TNHH MTV Giày da Phúc Sinh nằm trong cụm công nghiệp Phúc Ứng sản xuất khoảng 4 triệu đôi giày/năm. Bà Hoàng Thị Hoan, Giám đốc Công ty cho biết, năng lực sản xuất lớn, công ty thu hút lượng lớn lao động, hiện có 4.000 lao động địa phương đang làm việc, với mức thu nhập trên 6 triệu đồng/người/tháng.

Nhà máy sản xuất đũa gỗ Phúc Lâm, cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) đi vào hoạt động
khai thác tối đa nguồn nguyên liệu trên địa bàn.

Đánh giá của Sở Công  thương, với 6 cụm công nghiệp được thành lập, quy mô trên 300 ha, đã có 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 2.300 tỷ đồng, đất công nghiệp cho thuê 108 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 51,6%.

Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công thương khẳng định, các cụm công nghiệp được quy hoạch, xây dựng đã khai thác được tối đa tiềm năng, lợi thế tự nhiên, xã hội của từng vùng, từng địa phương. Điển hình như cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn), cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương), cụm công nghiệp An Thịnh (Chiêm Hóa) không chỉ khai thác tiềm năng về nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất như khoáng sản; nông, lâm sản và một số lĩnh vực khác mà còn giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động tại chỗ, đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp của tỉnh.

Bên cạnh kết quả đạt được thì phát triển các cụm công nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, một số cụm công nghiệp tỷ lệ lấp đầy chưa đạt 50%. Nguyên nhân do địa kinh tế không thuận lợi; chính sách hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp theo định mức còn thấp (đối với khuyến công quốc gia hỗ trợ tối đa 6 tỷ đồng/cụm công nghiệp; khuyến công địa phương hỗ trợ tối đa 3 tỷ đồng/cụm công nghiệp). Vì vậy, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực tài chính và kinh nghiệm về đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp.

Trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo tỉnh đã rà soát và thực hiện quy hoạch phát triển theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp thân thiện với môi trường, xây dựng các cụm công nghiệp gắn với các tuyến đường quốc lộ, cao tốc... Theo đó, ngoài giữ nguyên 6 cụm đã hình thành, tỉnh sẽ thành lập mới 16 cụm trên địa bàn các huyện, thành phố với tổng diện tích 1.258 ha. Các cụm công nghiệp thành lập mới gồm: Cụm công nghiệp Phúc Sơn (Lâm Bình) quy mô 30 ha; các cụm công nghiệp Yên Nguyên, Trung Hòa, Xuân Quang (Chiêm Hóa) quy mô 105 ha; cụm công nghiệp phía nam Hàm Yên, quy mô 50 ha; các cụm công nghiệp Yên Sơn, Trung Môn, Phú Thịnh, Xuân Vân (Yên Sơn) quy mô 260 ha; cụm công nghiệp An Hòa -Long Bình An, quy mô 75 ha và các cụm công nghiệp Phúc Ứng 2,  Tam Đa, Thượng Ấm - Tú Thịnh, Hồng Lạc - Chi Thiết (Sơn Dương) quy mô 350 ha.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hoàng Đức Tiến cho rằng, quy hoạch, phát triển các cụm công nghiệp của tỉnh thời gian tới không những khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mà sẽ đáp ứng cao nhất nhu cầu mặt bằng sản xuất khi dòng vốn đầu tư vào tỉnh ngày một gia tăng. Đây cũng chính là giải pháp để hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán không theo quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, khai thác tối đa nguồn lao động dồi dào ngay tại địa phương và góp phần đẩy nhanh tăng trưởng công nghiệp của tỉnh và kích thích sự phát triển của các khu dân cư, đô thị và xây dựng nông thôn mới.      

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục