Bài 2: Luồng sinh khí mới từ cầu, đường nông thôn
Với phương châm “giao thông đi trước mở đường” và là huyết mạch của nền kinh tế, Tuyên Quang đã và đang triển khai hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm theo hướng đồng bộ, kết nối liên vùng, vượt mục tiêu nghị quyết nhiệm kỳ 2021 - 2025 đề ra. Kỳ vọng, hạ tầng giao thông sẽ trở thành “thỏi nam châm” thu hút đầu tư để Tuyên Quang bứt phá về mọi mặt.
Quyết tâm xây dựng đường cao tốc
Tỉnh nhận thức rõ, nếu không có đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ rất khó thu hút đầu tư và thực hiện tốt mục tiêu trở thành tỉnh phát triển khá.
Chính vì vậy, ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, làm việc với các bộ, ngành Trung ương xin chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ từ đầu tư theo hình thức BOT sang hình thức đầu tư công. Sau bao năm mong đợi, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã được xây dựng, đến nay đang dồn lực thi công, phấn đấu thông xe kỹ thuật trong năm 2023.
Ông Phạm Quang Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú - liên danh nhà thầu thi công gói thầu 26 dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cho biết: Công ty tự hào được tham gia làm tuyến đường cao tốc đầu tiên của tỉnh. Vì thế trong quá trình thi công gặp nhiều khó khăn như trượt giá, giá vật liệu xây dựng tăng cao, dịch bệch Covid-19 nhưng đơn vị vẫn nỗ lực làm tốt nhất. Hiện đã cấp phối đá dăm lần 2 đối với 6 km đơn vị phụ trách, thi công các hạng mục chờ để đón giai đoạn II.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ được điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Quyết định số 586/QĐ-TTg, ngày 29-5-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, dự án gộp luôn giai đoạn 1 và giai đoạn 2, hoàn thành toàn bộ dự án trong năm 2023. Tổng mức đầu tư tăng lên 3.753 tỷ đồng (nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương 2.900 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương 853 tỷ đồng). Các gói thầu xây lắp triển khai từ tháng 8-2021, vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Đến nay, đã đạt 70% giá trị hợp đồng giai đoạn I, đang đón giai đoạn II.
Lần đầu tiên tỉnh là chủ đầu tư dự án cao tốc với số lượng tiền đầu tư lớn, lượng giải phóng mặt bằng lớn, lại liên quan đến 2.102 hộ dân, trong đó có 298 hộ phải di chuyển nhà ở tại tỉnh Phú Thọ. Việc tưởng như khó có thể làm được nhưng đến nay đã hoàn thành. Ông Trần Viết Cương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, xây dựng công trình giao thông là ngành sản xuất đặc biệt, đặc thù là sản xuất ngoài trời, trải dài theo tuyến. Tiến độ và chất lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như năng lực điều hành, thời tiết, mặt bằng, địa chất, công nghệ, nguồn vốn đầu tư… Mỗi dự án, công trình đều có thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khác nhau.
Qua thực tế triển khai Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Ban Quản lý Dự án rút ra một số kinh nghiệm về tổ chức quản lý, tổ chức triển khai thực hiện như phải chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch, tiến độ; nâng cao chất lượng khảo sát, thiết kế, dự toán; công tác lựa chọn nhà thầu thi công, thương thảo hợp đồng và quản lý kinh phí tạm ứng, thanh toán; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ trong quá trình thi công.
Từ những bài học, kinh nghiệm xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, tỉnh phối hợp với tỉnh Hà Giang tiếp tục làm việc với các bộ, ngành Trung ương và được sự đồng thuận, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Tuyên Quang và Hà Giang đã bắt đầu cho mục tiêu lớn: Kết nối cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ. Đây thực sự là sức bật, mục tiêu không có trong nghị quyết. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai xây dựng nhiều tuyến đường quan trọng không có trong mục tiêu nghị quyết như đường Na Hang -Bắc Kạn, Sơn Dương -Sông Lô (Vĩnh Phúc).
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài 77 km, giai đoạn I, đầu tư với quy mô 2 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 12 m, mặt đường 11 m, đạt tiêu chuẩn đường cao tốc với vận tốc 100 km/h; giải phóng mặt bằng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh 25,25 m. Đến nay, dự án đã cơ bản thực hiện xong công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán; công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai trên toàn tuyến, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Công tác đấu thầu đã được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu với 5 gói thầu xây lắp phần đường với trung bình 13 - 23 km một gói thầu. Dự kiến khởi công dự án sớm nhất trong tháng 7-2023, muộn nhất tháng 9-2023.
Tạo thế và lực mới
Phát triển hệ thống hạ tầng giao thông phù hợp với Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hai tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, Tuyên Quang - Hà Giang nằm trong chiến lược phát triển 5.000 km cao tốc trong cả nước, giai đoạn 2021 - 2030.
Dự án cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ đấu nối cao tốc Hà Nội- Lào Cai đang được triển khai thi công.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2C đoạn thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa - thị trấn Na Hang... Ngành Giao thông -Vận tải tỉnh phối hợp với các tỉnh lân cận đề xuất Bộ Giao thông - Vận tải nâng các tuyến đường địa phương lên thành quốc lộ như Quốc lộ 2C, Quốc lộ 2D, Quốc lộ 3B. Tỉnh đã mở mới tuyến đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng, nâng cấp đảm bảo thuận lợi, an toàn. Hoàn thành nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường từ trung tâm huyện đến trung tâm xã; triển khai công tác đầu tư xây dựng Cảng cạn Tuyên Quang, Bến xe khách thành phố Tuyên Quang tại địa điểm mới... Giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư gắn với xây dựng nông thôn mới.
Bà Nguyễn Thị Lan, TP Tuyên Quang vui mừng cho biết: “Người dân chúng tôi rất mừng về hệ thống giao thông của tỉnh liên tục được đầu tư. Đặc biệt là các tuyến cao tốc, trước nay người dân chưa từng nghĩ tới thì giờ đã được đầu tư. Mong rằng khi 2 tuyến cao tốc hoàn thành, Tuyên Quang sẽ phát triển hơn nhiều”.
Thành quả này đã khẳng định tầm nhìn chiến lược của tỉnh, đặc biệt của ngành Giao thông trong công tác tham mưu, xây dựng quy hoạch, đề án, kế hoạch thực hiện phát triển hạ tầng giao thông những năm qua.
Đồng chí Nguyễn Việt Lâm, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Tuyên Quang khẳng định: Sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện các nhiệm vụ đột phá về lĩnh vực giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Trong quá trình triển khai thực hiện, ngành đã chủ động tham mưu, báo cáo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhất là trong giải phóng mặt bằng.
Hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là đường cao tốc được xây dựng thực sự là “thỏi nam châm” thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn. Từ năm 2021 đến nay, đã có 23 dự án đầu tư vào Tuyên Quang, có nhiều nhà đầu tư lớn đầu tư và tìm hiểu đầu tư vào tỉnh như: Tập đoàn VinGroup, Công ty cổ phần Flamingo, Tập đoàn Sun Group, Công ty Chung Hank F&C, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet, Công ty KIDO Hàn Quốc, Công ty ATCREATION (Hàn Quốc), Công ty TNHH The Hyaku Jushi Bank của Nhật Bản, Tập đoàn EREX, Công ty JPE Engineering Corporation, Nhật Bản; Công ty TNHH Tập đoàn Á Châu ASIA GROUP... đang tạo thêm nguồn lực mới để tỉnh phát triển, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.
Gửi phản hồi
In bài viết