Bài 1: Sức bật “vượt” nghị quyết
Gỡ “nút thắt” giao thông nông thôn
Theo mục tiêu của Đề án, giai đoạn 2021 - 2025, bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường thôn và đường nội đồng, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường thôn sau khi thực hiện đề án đạt trên 80%, nâng tỷ lệ bê tông hóa đường nội đồng lên trên 60%; xây dựng ít nhất 200 cầu giao thông nông thôn.
Phương thức thực hiện là Nhà nước hỗ trợ xi măng, ống cống, chi phí vận chuyển, bốc xếp đến địa điểm thi công gần nhất ô tô có thể đến được, kinh phí thuê máy trộn bê tông, kinh phí quản lý; nhân dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp ngày công lao động, tự tổ chức thi công.
Những cây cầu, con đường giao thông mới theo Đề án được hoàn thành và đưa vào sử dụng đã từng bước xóa bỏ các điểm cách trở do suối, ngòi, tạo điều kiện cho người dân đi lại an toàn trong mùa mưa lũ, giao thương hàng hóa, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân thôn Gia, xã Tiến Bộ (Yên Sơn) đóng góp tiền của, hiến đất làm đường giao thông theo Nghị quyết số 55.
Đến xã Tiến Bộ (Yên Sơn) hiện nay, nhiều công trình đường giao thông liên thôn, nội thôn, cầu trên đường giao thông đã làm thay đổi hẳn diện mạo của những thôn đặc biệt khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, xã Tiến Bộ đã hoàn thành bê tông hóa trên 8,3 km đường thôn và đường nội đồng, đưa vào sử dụng 1 cầu và đang chuẩn bị xây dựng 2 cầu theo Đề án. Ông Trần Văn Chung, trưởng thôn Gia, xã Tiến Bộ phấn khởi lắm khi nói về những con đường mới. Ông bảo, từ khi có Đề án, thôn đã hoàn thành trên 2,6 km đường thôn và đường nội đồng, có 48 hộ hiến trên 2.500 m2 đất vườn, đất đồi rừng để thôn làm đường. Trước đây, nhiều tuyến đường giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa bão thường cách trở, nhất là vào mùa khai thác gỗ rừng trồng, nhân dân thường bị thương lái ép giá. “Bây giờ có đường mới, rộng đẹp, thoáng đãng, giá thu mua gỗ rừng của nhân dân cao gấp 2 đến 3 giá so với trước” - Ông Chung nói.
Giao thông ở xã Hồng Quang, xã vùng cao của huyện Lâm Bình giờ đây cũng đã đổi khác rất nhiều nhờ những công trình cầu, đường giao thông theo Nghị quyết số 55. Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang cho biết: “Thực hiện Nghị quyết số 55 đến nay, xã Hồng Quang đã có 3 chiếc cầu được xây dựng, đưa vào sử dụng. Trước đây, khi chưa có cầu, người dân ở các thôn Nà Kham, Bản Tha, Pá Ểm, Khuổi Nga chủ yếu lội qua suối và qua cầu tràn. Nhưng mùa mưa thì đều phải chờ nước suối rút mới có thể đi lại được. Do đó, việc thông thương và đi lại của người dân gặp nhiều trở ngại. Giờ đây, khi có 3 chiếc cầu mới, mưa lũ không còn là nỗi khiếp sợ của nhân dân nữa. Đúng là Nghị quyết số 55 đã gỡ “nút thắt” về giao thông cho xã vùng cao Hồng Quang”.
Không chỉ có Hồng Quang mà nhiều nơi đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa từ khi triển khai Nghị quyết số 55, giao thông đã nối liền huyết mạch, mang lại diện mạo mới, sinh khí mới cho nông thôn.
Nhiều người dân ở thôn Tân Dân, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) hiến đất để làm cầu theo Nghị quyết số 55. Ảnh: Cao Huy
Nghị quyết đi vào lòng dân
Thực tiễn triển khai Nghị quyết số 55 thời gian qua đã chứng minh một bài học quý báu là khi các nghị quyết, cơ chế, chính sách được ban hành nếu thực sự trả lời được những vấn đề dân mong, dân chờ đợi, giải quyết được những yêu cầu của thực tiễn đặt ra sẽ dễ dàng đi vào lòng dân, được nhân dân đón nhận, ủng hộ, đồng thuận cao. Từ đó khơi dậy được sức dân để thực hiện. Nhiều nơi, trong quá trình triển khai thực hiện, nhân dân đã tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất rừng, đất vườn, đất ở, tự nguyện giải phóng các công trình, hoa màu, tài sản trên đất để làm đường, làm cầu. Đồng thời đóng góp tiền của để thuê máy móc, thiết bị thi công. Theo Chủ tịch UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình), để hoàn thành 3 chiếc cầu, xã vận động 11 hộ hiến 2.700 m2 đất nông nghiệp. Nếu không có sự đồng thuận của nhân dân, chắc chắn việc thi công cầu sẽ khó hoàn thành được.
Đồng chí Chu Văn Sáng, Bí thư Đảng ủy xã Tân Long (Yên Sơn) cho biết, từ năm 2021 đến nay, xã đã hoàn thành bê tông hóa 15 km đường thôn và đường nội đồng, 2 cầu qua suối theo Nghị quyết số 55. Nhân dân đồng thuận cao nên đã có trên 60 hộ hiến 7 nghìn m2 đất để làm cầu, làm đường. Theo đồng chí Sáng, chính vì Nghị quyết được ban hành sát thực tế, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân nên nhân dân rất hào hứng, phấn khởi đón nhận.
Cầu Lũng Ỏi, thôn Đán Khao, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) được xây dựng theo Nghị quyết số 55 giúp nhân dân đi lại thuận lợi.
Từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 đến nay, toàn tỉnh đã bê tông hóa được 550 km/1.080 km đường thôn và đường nội đồng, đạt gần 60% mục tiêu của nghị quyết, hoàn thành và đưa vào sử dụng 77/200 cầu, đạt gần 39% so với mục tiêu của nghị quyết.
Đồng chí Trần Văn Sang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, chiều dài đường giao thông nông thôn khá lớn, tuy đã được đầu tư theo các chương trình, đề án nhưng thời điểm trước khi ban hành Nghị quyết số 55 vẫn còn nhiều tuyến đường ở những nơi có điều kiện kinh tế khó khăn, đóng góp của người dân hạn chế, nguồn vật liệu không sẵn có chưa được cứng hóa; mặt khác nhiều tuyến đường đã được đầu tư nhưng với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, hệ thống cầu và công trình thoát nước chưa hoàn chỉnh, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân; đặc biệt khi mưa, bão, thường xảy ra lũ ống, nước dâng cao, đường bị ngập úng không đi lại được, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết số 55 là hết sức cần thiết, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, được nhân dân đồng thuận, nhiệt tình hưởng ứng. Quá trình triển khai thực hiện, Sở Giao thông Vận tải thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương các cấp rà soát hệ thống cầu trên đường giao thông nông thôn được xây dựng đảm bảo các yêu cầu kết nối, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, tránh đầu tư dàn trải, lãng phí. Có như vậy mới khơi dậy được sự đồng thuận, chung sức của nhân dân trong quá trình triển khai thực hiện. Sở Giao thông Vận tải luôn phối hợp với các cơ quan, các tổ chức chính trị, xã hội và chính quyền các địa phương giám sát, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thi công đảm bảo chất lượng, yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, an toàn, đúng tiến độ.
Việc triển khai thực hiện Đề án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, thay đổi diện mạo hạ tầng giao thông nông thôn, trong đó phục vụ sản xuất nông nghiệp, thông thương hàng hóa, tiêu thụ nông sản. Đồng thời góp phần đảm bảo mạng lưới giao thông được kết nối liên hoàn từ tỉnh đến huyện, huyện đến xã, từ xã đến các thôn, bản. Từ đó hình thành hệ thống giao thông kết nối nội tỉnh, nội vùng, liên tỉnh, liên vùng. Mục tiêu này hoàn toàn phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Gửi phản hồi
In bài viết