Bài 2: Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Việc phải làm ngay

- Được rừng chở che, bảo vệ, giữ cho người dân khỏi các đợt lũ quét, lũ ống suốt nhiều năm, nhưng do khí hậu biến đổi ngày càng cực đoan, phức tạp, những trận mưa bão, gió lốc vẫn tác động nặng đến đời sống người dân trên địa bàn tỉnh. Cấp bách di dời dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy cơ cao được các địa phương tập trung thực hiện đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và của khỏi những cơn giận dữ của thiên nhiên.

>> Bài 1: Lá chắn xanh

>>Bài cuối: Xây dựng cộng đồng an toàn trước thiên tai

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn kiểm tra địa điểm di dân tập trung thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ (Yên Sơn).

Không còn lo “mắt thức, mắt ngủ”

Với nhiều người dân ở xã vùng cao Linh Phú (Chiêm Hóa), trận lũ quét lịch sử năm 2001 vẫn in đậm trong tâm trí họ. Con suối Linh Phú thường ngày hiền hòa, chỉ sau một trận mưa lớn bỗng rùng mình thành con thủy quái. Nước không rõ từ đâu ập đến, làm vỡ bung tất cả. Chục ngôi nhà nằm ven suối ở Pác Cháng phút chốc tơi tả sau trận lũ quét lịch sử. Nhà cửa bật tung, gỗ lạt nhiều nhà vừa chuẩn bị để dựng ngôi nhà mới cũng bị cuốn phăng. Trâu bò lợn gà cũng trôi theo dòng nước xiết. Chị Đồng Thị Sy chưa kịp chạy ra khỏi nhà cũng bị dòng nước cuốn đi, may mắn, chị nắm được sợi dây, cứ bám chặt vào đấy để chờ người đến ứng cứu… Trong đời chị, chưa khi nào chứng kiến cơn lũ quét khủng khiếp đến vậy.

Phó Chủ tịch UBND xã Linh Phú Hà Ngọc Anh cho biết, do tập quán, thói quen sống dựa vào thiên nhiên, bà con vẫn thích chọn những nơi gần suối, gần rừng để sinh sống. Nhưng cái tiện này lại sinh ra cái bất tiện khác, khi những khu vực này thường xuyên tiềm ẩn những nguy cơ về sạt lở, lũ quét, lũ ống, nhất là thời điểm mưa lũ. Sau trận mưa lũ lịch sử, chục hộ dân ở Pác Cháng đã di chuyển nhà đến nơi an toàn hơn. Nhiều hộ dân sống ven suối Linh Phú sau đấy cũng tự di chuyển nhà đến nơi ở mới, một số hộ không tìm được đất thì chọn phải pháp nâng cao nền nhà so với trước để tránh ảnh hưởng.

Gia đình bà Hà Thị Hè, ông Đinh Văn Lành vừa di chuyển nhà từ khe núi ra trung tâm thôn Pác Hóp. Cả khe núi, chỉ có nhà bà với 1 hộ dân khác sinh sống. Gần ba mươi năm sống trong ngôi nhà cũ, chưa khi nào bà Hè ngủ yên giấc. Bà không nhớ được đã có bao nhiêu lần đá từ trên núi lăn xuống, cây chết đứng bật gốc, đổ gẫy vào nhà. Trận mưa lớn nào, vợ chồng bà với 3 người con cũng “một mắt thức, một mắt ngủ”, để chỉ cần nghe tiếng động lạ là sẵn sàng… chạy. Xã vận động chuyển nhà nhiều lần, nhưng một phần vì không có đất, một phần vì chưa được tuổi làm nhà, nên vợ chồng bà cứ lần khân. Bà Hè bảo, vợ chồng bà sẽ chưa biết sợ đâu nếu vừa rồi không có một cây cổ thụ to bằng cả cái tủ lạnh không rõ đã chết từ lúc nào, mục gốc lao xuống nhà. Toàn bộ phần mái nhà bị đè bẹp, gẫy nát. May mắn lúc này cả gia đình bà đều đã ra ngoài. Sau sự cố ấy, người nhà bà Hà Thị Hè quyết định nhường lại một phần đất để vợ chồng bà cất ngôi nhà sàn cao ráo. Bà Hè cười tươi, giờ mới thực sự cảm nhận được thế nào là “ăn ngon ngủ kỹ”.

Thiếu đất ở, chưa đủ kinh phí để di chuyển nhà ở, chưa được tuổi làm nhà… là nhiều lý do khiến việc di chuyển các hộ dân ở khu vực nguy hiểm, vùng xung yếu, nguy cơ cao bị ảnh hưởng. Cũng giống như Linh Phú, ở hầu hết các địa phương, cả cộng đồng chung tay hỗ trợ các gia đình về đất ở, ngày công vận chuyển, làm nhà, vì đa phần các hộ phải di chuyển đến nơi ở mới đều là những hộ nghèo, cận nghèo, cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Gần 5 năm, gia đình anh Trần Văn Tuyên ở thôn Éo, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) mới di chuyển được nhà đến nơi ở an toàn. Trước, gia đình anh sống trong ngôi nhà tạm dưới chân núi, mỗi khi mưa to cả gia đình anh lại đi lánh ở nhà người thân vì sợ nước, đất trên núi xối xuống vùi  lấp. Theo anh Tuyên, đất nền làm nhà, vật liệu xây dựng là họ hàng hỗ trợ, giúp đỡ; bà con lối xóm hỗ trợ ngày công di chuyển; Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm và vay mượn thêm, gia đình anh đã xây dựng được căn nhà khang trang, vững chắc.

Đặt an toàn tính mạng, tài sản người dân lên trên hết

Trong khi tại nhiều tỉnh, thành lân cận, các trận lũ quét, lũ ống, mưa dông thường xuyên xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản của người dân, thì ở Tuyên Quang - một tỉnh miền núi phía Bắc, những tác động từ thời tiết, thiên nhiên chỉ ảnh hưởng về hạ tầng, cơ sở vật chất mà không gây thiệt hại gì về người.

Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, đối với một tỉnh miền núi thường xuyên chịu tác động bởi mưa đá, gió lốc, giông sét, hoàn lưu bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… tỉnh đã chỉ đạo ngành, các địa phương liên tục rà soát, vận động các hộ nằm ở ven sông, suối, bìa rừng để có kế hoạch di chuyển đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn. Nhờ thế, số lượng các hộ di chuyển hàng năm thường cao hơn so với kế hoạch ban đầu. Như giai đoạn 2017 -  2020, qua rà soát, các địa phương lên kế hoạch di chuyển đối với 434 hộ dân, thì thực hiện hoàn thành 447 hộ.

Trong Quyết định số 337 ngày 2-6-2021 của UBND tỉnh ban hành kế hoạch phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh năm 2021 cũng đã nhấn mạnh, các địa phương chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Trong năm nay, Tuyên Quang tiếp tục có kế hoạch di chuyển 84 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Trong đó huyện Na Hang 44 hộ, Lâm Bình 12 hộ, Chiêm Hóa 14 hộ, Hàm Yên 6 hộ, Yên Sơn 10 hộ.

Cách làm của các địa phương hiện nay là tập trung rà soát, quyết liệt vận động để người dân di chuyển. Người dân chủ động tìm kiếm mặt bằng đất ở, chính quyền xã thẩm định, đảm bảo các điều kiện an toàn mới được phép di chuyển nhà ở.

Ngoài các dự án di dân xen ghép, các dự án di chuyển tập trung cũng đang được các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Giai đoạn 2021 - 2024, huyện Na Hang sẽ thực hiện Dự án Khẩn cấp di dân ra khỏi vùng thiên tai nguy hiểm, đặc biệt khó khăn thôn Bản Bung, xã Thanh Tương. Để đảm bảo các điều kiện về hạ tầng, huyện sẽ san ủi mặt bằng với diện tích khoảng 2,5 ha để bố trí sắp xếp, ổn định chỗ ở cho 49 hộ dân, có tính đến dự trữ diện tích đất để phát triển, mở rộng cho tương lai. Hạ tầng kỹ thuật được tính toán xây dựng đồng bộ, như hệ thống đường giao thông nội khu kết nối với đường trục xã từ trung tâm xã đến Bản Bung chiều dài khoảng 3 km và đường giao thông phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng với chiều dài khoảng 7,5 km; nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước hiện có để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt; xây dựng hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cũng như mở rộng diện tích đất sản xuất, quy mô công suất đảm bảo phục vụ tưới cho 28 ha đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, sẽ xây dựng mới 1 Trường Tiểu học và 1 Trường Mầm non tại khu trung tâm thôn, 1 nhà văn hóa thôn quy mô 80 chỗ ngồi; 1 sân thể thao thôn, diện tích tối thiểu 0,4 ha; hỗ trợ khai hoang, ổn định cuộc sống lâu dài cho nhân dân…

Dự án ổn định đời sống cho 72 hộ dân (di chuyển đến điểm tái định cư 53 hộ, ổn định tại chỗ 19 hộ) đang sinh sống và sản xuất trong vùng nguy hiểm ở thôn Ngòi Cái, xã Tiến Bộ cũng đang được huyện Yên Sơn đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Bí thư chi bộ thôn Ngòi Cái Hoàng Văn Sinh bảo, mặc dù chưa có thiệt hại về người và của, nhưng hầu hết các hộ đều sống ven suối, gần núi, taluy sau nhà cao nên nguy cơ sau mỗi trận mưa là rất lớn. Là một trong số 53 hộ dân thuộc diện phải di chuyển đến nơi ở mới của thôn Ngòi Cái vì nhà ngay cạnh bờ suối, ông Tụ Sào Chỉ giờ chỉ mong sớm được di chuyển đến nơi ở mới để gia đình ổn định cuộc sống, an tâm phát triển kinh tế.

Ngoài câu chuyện trồng rừng, giữ rừng tự nhiên để bảo vệ đất, bảo vệ làng, thì di chuyển các hộ dân ra khỏi các khu vực xung yếu, nguy cơ cao xảy ra thiên tai nguy hiểm đang được các địa phương quyết liệt thực hiện. Để từ đó, hình thành những khu dân cư an toàn, cộng đồng an toàn trước thiên tai.       

Bài, ảnh: Trần Liên

Tin cùng chuyên mục