>>Bài 2: Di dân ra khỏi vùng nguy hiểm - Việc phải làm ngay
Nâng cao năng lực cảnh báo thiên tai
Trận lũ quét kinh hoàng nhất trong lịch sử xảy ra trên địa bàn huyện Sơn Dương đã qua đi 20 năm nhưng mỗi lần nhắc đến bao người dân sinh sống dọc theo sông Phó Đáy đều lạnh người trước sức tàn phá của cơn lũ dữ. Ông Bùi Sĩ Chúc, tổ dân phố Xây Dựng, thị trấn Sơn Dương mô tả, thường nước sông trong xanh, hiền hòa lắm, vậy mà một ngày tháng 7-2001, chỉ sau 1 - 2 ngày những trận mưa rừng biến sông thành thủy quái, nước thượng nguồn sầm sập đổ về nuốt trôi tất cả những gì trên đường đi của nó, từ đất đá, công trình, nhà cửa...
Ông Đỗ Văn Ngọc, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời điểm đó nhớ lại, cánh đồng dọc 2 bên bờ sông Phó Đáy thuộc các xã Tuân Lộ, Thiện Kế, Ninh Lai, Sơn Nam lúa mùa tốt bời bời, phút chốc cả mét đất, đá trên núi trút xuống vùi lấp tất cả, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Trận mưa lũ thời điểm cuối tháng 6-2018 xảy ra trên địa bàn huyện Ha Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên cũng gây thiệt hại nặng về tài sản. 40 nhà dân bị ảnh hưởng, thiệt hại; hàng chục lồng bè nuôi trồng thủy sản và hàng trăm ha lúa, cây màu bị lũ cuốn trôi, chưa kể thiệt hại về các cơ sở hạ tầng.
Lực lượng chức năng cấp phát, hướng dẫn người dân vùng lòng hồ Tuyên Quang sử dụng vật nổi cứu sinh khi mưa bão xảy ra.
Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, thiệt hại các đợt thiên tai xảy ra trên địa bàn những năm trước một phần là do năng lực cảnh báo, dự báo còn hạn chế dẫn đến những lúng túng, bị động khi thiên tai xảy ra.
Chủ động, ứng phó với loại hình thiên tai nguy hiểm, đặc biệt là mưa lớn, lũ ống, lũ quét gây sạt lở đất đá, tỉnh không ngừng đầu tư, hoàn thiện hạ tầng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai. 36 trạm đo mưa tự động đã được lắp đặt ở khắp các vùng, xã xung yếu, trong đó 28 trạm đo mưa tự động do Văn phòng quản lý. Ngoài các trạm đo mưa tự động, tỉnh còn có 1 đài và 8 trạm khí tượng thủy văn phân bố đều ở các huyện, thành phố. Hạ tầng cảnh báo thiên tai dần được hoàn thiện đã giúp ngành chuyên môn, chính quyền địa phương nhận diện, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất chủ động phòng, chống.
3 năm kể từ khi trạm đo mưa tự động xã Sơn Nam (Sơn Dương) đi vào hoạt động, lượng mưa vùng “rốn” đã được đo đếm 1 cách chính xác nhất. Chủ tịch UBND xã Sơn Nam Nguyễn Văn Hà chia sẻ, khi chưa có trạm đo mưa tự động, cán bộ, người dân trong xã chỉ nhận được thông tin thời tiết từ Đài Phát thanh - Truyền hình của tỉnh, huyện vào những khung giờ nhất định, thông tin cũng chung chung, không chi tiết tới từng khu vực. Với trạm đo mưa tự động, thiết bị được kết nối Internet và số điện thoại của cán bộ xã, lượng mưa, thời gian mưa được cập nhật liên tục gửi trực tiếp hòm thư điện tử của xã. Đồng chí Hà khẳng định, thông tin từ trạm nếu lượng mưa lớn bất thường Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai xã sẽ phát ngay lên hệ thống truyền thanh không dây, đồng thời đưa ra cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét yêu cầu người dân chủ động phương án ứng phó.
Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng
Ngày 10-8-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030. Ông Bùi Chí Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định, từ năm 2011 đến nay, đây là lần thứ 2 tỉnh ta thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng.
Người dân thôn 5, xã Tân Long (Yên Sơn) hỗ trợ hộ gia đình bị thiệt hại lợp lại nhà ở.
Mục tiêu đặt ra là nâng cao nhận thức về thiên tai, năng lực ứng phó thiên tai cho đội ngũ làm công tác phòng, chống thiên tai, cán bộ chính quyền cơ sở và người dân vùng thường xuyên chịu tác động của thiên tai, góp phần xây dựng cộng đồng cấp xã, cấp huyện an toàn trước thiên tai, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hình thành văn hóa phòng ngừa, chủ động và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống thiên tai của đại đa số người dân nhằm góp phần thực hiện tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường do thiên tai.
10 năm thực hiện điểm Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng giai đoạn 1, năng lực phòng, chống, ứng phó với mọi loại hình thiên tai của người dân xã Tân Long (Yên Sơn) đã đạt được những thành quả ngoài mong đợi. Ông Trịnh Văn Oanh, Trưởng thôn 5, xã Tân Long khẳng định, mỗi năm cán bộ giao thông địa chính xã đều đến phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai; nhận biết loại hình thiên tai nguy hiểm thường xảy ra trên địa bàn; diễn tập các tình huống tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ... Trưởng thôn Oanh bảo, trước đây khi mưa lũ xảy ra bà con đổ ra sông, suối vớt củi, đánh bắt cá, giờ được bổ túc kiến thức họ biết bảo vệ tính mạng mình rồi!
Bà Lộc Thị Khu, thôn 5, xã Tân Long chia sẻ, nếu không được hướng dẫn cách ứng phó với thiên tai, trận mưa kèm theo dông lốc ngày 31-7 rạng sáng ngày 1-8 vừa qua bà đã không còn. Bà Khu kể, trận dông lốc mạnh xảy ra thời điểm đêm tối, ngoài trời cây cối đổ nghiêng ngả, mái nhà của bà cũng tốc hết, trong tình thế nguy cấp bà Khu chui xuống gầm bàn tránh trú, tình huống này bà đã được diễn tập. Dông lốc qua đi bà mới kêu gọi mọi người ứng cứu.
Trở lại với các xã dọc 2 bên bờ sông Phó Đáy (Sơn Dương) nơi gánh chịu tổn thất nặng nề nhất trong trận lũ quét lịch sử 2001, các nguy cơ xảy ra thiên tai giờ đã được kiểm soát, cộng đồng an toàn trước thiên tai đã hình thành ở từng xã, từng thôn, bản. Ông Phạm Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương khẳng định, trồng rừng, xây dựng, gia cố các công trình phòng, chống thiên tai, huyện cũng tổ chức bố trí, sắp xếp ổn định lại dân cư, di chuyển những hộ dân sinh sống trong vùng xung yếu đến nơi an toàn. Từ năm 2012, đã có ít nhất 67 hộ được di chuyển đến nơi an toàn, trong đó di dời tập trung 34 hộ đồng bào dân tộc Dao tại thôn Khuôn Đào, xã Trung Yên.
Nâng cao nhận thức, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, tỉnh cũng không ngừng đầu tư cơ sở vật chất cho cơ quan chỉ huy, chỉ đạo phòng, chống thiên tai các cấp, nâng cấp trang thiết bị chuyên dùng đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai trong tình hình mới; đào tạo, tập huấn lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai tại địa phương... Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh đã “kiểm soát” được thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro, bảo vệ an toàn, tính mạng tài sản của người dân.
Gửi phản hồi
In bài viết