Mùa bưởi đã bắt đầu, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4.963,1 ha bưởi tập trung chủ yếu tại các xã Thắng Quân, Phúc Ninh, Xuân Vân, Lực Hành, Quý Quân (Yên Sơn), Đức Ninh (Hàm Yên) sản lượng dự kiến đạt 30,8 nghìn tấn. Bà Trịnh Thị Hải, thôn Đô Thượng 4, xã Xuân Vân (Yên Sơn) chia sẻ, bưởi da xanh được coi là “đỉnh” nhất giờ cũng chỉ được 17.000 - 23.000 đồng/quả loại A tại vườn; loại B, C giá còn giảm nữa. Mức giá này thấp hơn mùa vụ trước từ 30 - 40%. Mất giá, người nông dân như bà Hải còn lo ngại bưởi sẽ khó tiêu thụ, bởi hiện nay phương tiện lưu thông giữa các vùng bị hạn chế nhiều do dịch bệnh Covid-19 diễn biến xấu.
Anh Nguyễn Việt Phong, Giám đốc HTX Rau, quả VietGAP Đức Ninh (Hàm Yên) kiểm tra chất lượng vườn cam chanh của thành viên trước khi cắt bán theo đơn hàng của khách.
Giá sản phẩm chăn nuôi cũng xuống dốc liên tục, một số sản phẩm thịt, sữa xuống dưới mức giá thành. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn, kiêm Giám đốc Trang trại bò sữa Hoàng Khai cho biết, sữa tươi của trang trại bán 15 nghìn đồng/lít dưới giá thành, tuy nhiên cũng không thể vận chuyển về công ty để chế biến mà phải bán lẻ nên lỗ chồng lỗ.
Theo các nhà quản lý nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, vận tải hàng nông sản, vướng mắc lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ, khó khăn trong lưu thông và thiếu điểm bán hàng. Anh Phạm Văn Hợi, Giám đốc Hợp tác xã Gia cầm Hợp Thành (Sơn Dương) chia sẻ, để vận chuyển nông sản đi tiêu thụ, anh phải xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR 3 ngày/lần, mỗi lần xét nghiệm mất 740 nghìn đồng, rất tốn kém và mất thời gian. Có giấy xét nghiệm, lưu thông được hàng rồi, vấn đề tìm đâu được điểm để bán hàng khi nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách?
Trong cuộc kiểm tra tình hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đầu tháng 8 vừa qua tại các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương, các đồng chí lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều lo ngại nếu nút thắt này không được tháo gỡ, hoạt động kích cầu bị chậm trễ, nông sản sau thu hoạch không tiêu thụ được. Thực tế, đa phần các sản phẩm nông nghiệp có tính chất mùa vụ, ngoài một vài loại lương thực như lúa, ngô, lạc... có thể phơi khô dự trữ còn lại sản phẩm phải tiêu thụ nhanh. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp tập trung chủ yếu là hộ gia đình nên khi sản phẩm chậm tiêu thụ dễ hư hỏng, nông dân mất vốn, khó lòng tái tổ chức sản xuất. Người dân sẽ giảm chăn nuôi, gieo trồng vụ mới và trong tương lai gần, cuộc sống của người nông dân bị ảnh hưởng, các đô thị sẽ khan hiếm nhiều mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các loại rau củ, thực phẩm ngắn ngày.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tháo gỡ nút thắt, Sở đang khẩn trương thiết lập “vùng xanh” cho nông sản, trong đó duy trì các mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ tạo ra sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh; mở rộng liên kết các tổ, nhóm, hợp tác xã, đầu mối đảm bảo thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển nông sản. Thực tế trong bối cảnh hiện nay, sản xuất đơn lẻ sẽ khó trụ vững, do chi phí vận chuyển tăng rất cao và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp. Sở cũng đề xuất Sở Giao thông - Vận tải cấp “Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh” cho các phương tiện vận tải hàng nông sản của các tổ chức, nhóm hộ gia đình.
Thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản, các chuỗi sản xuất như na, chè, bưởi, cam, các trang trại, nhà vườn đã thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm qua những đầu mối. Điển hình như sản phẩm na Yên Sơn, nhiều hộ trồng na các xã Phúc Ninh, Lực Hành, Quý Quân đã liên kết gom vào đầu mối là Hợp tác xã Nông nghiệp Lực Hành, Phúc Ninh dễ dàng vận chuyển và tiêu thụ.
Hợp tác xã Nông nghiệp Lực Hành (Yên Sơn) - đầu mối thu mua tiêu thụ na.
Khơi thông thị trường tiêu thụ nông sản, cuối tháng 7 vừa qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với cơ quan chức năng thành phố Hà Nội về việc tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn; rà soát nguồn cung, đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm thủy sản tổ chức sản xuất, hỗ trợ khai thác, lưu thông thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP về tiêu thụ tại thành phố nhằm bảo đảm nguồn cung, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài. Thống nhất thiết lập các vùng đệm tập kết hàng hóa tiêu thụ nông sản có sản lượng lớn, thời vụ thu hoạch và thời gian bảo quản ngắn.
Giải quyết nút thắt về lưu thông hàng nông sản, Sở Giao thông - Vận tải đã tiếp nhận và cấp “Giấy nhận diện phương tiện ưu tiên hoạt động trên luồng xanh” cho trên 4.000 phương tiện vận tải hàng nông sản của các doanh nghiệp, tổ chức, nhóm hộ gia đình, trong đó riêng của tỉnh ta 2.000 phương tiện; thành phố Hà Nội trên 2.000 phương tiện. Như vậy, có thể khẳng định thị trường lớn nhất, tiềm năng nhất dần được khơi thông. Vấn đề cuối cùng hiện nay là bà con nông dân phải thực hiện sản xuất, thu hoạch, bảo quản theo đúng quy trình, tránh làm hư hại giảm giá trị sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết