Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh rất cao. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp, các địa phương tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng bệnh, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi dịch bệnh xảy ra.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vụ thu - đông toàn tỉnh có kế hoạch tiêm phòng cho hơn 5,66 triệu con gia súc, gia cầm. Trong đó, có 74.070 con trâu, 30.050 con bò, 423.120 con lợn, 43.780 con dê, 4.659.360 con gà, 305.130 con vịt, 128.930 con chó. Các vắc xin tiêm chủ yếu trong đợt này là vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng, niu cát xơn, cúm gia cầm, dịch tả, vắc xin phòng dại.
Anh Dương Ngọc Hường (bên phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Hồi Xuân, xã Tam Đa rà soát đàn trâu
tiêm phòng vụ thu - đông năm 2021 của người dân trong thôn.
Thôn 3, xã Tân Tiến (Yên Sơn) có trên 120 con trâu, bò. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên 100% số hộ chăn nuôi trâu bò đều tiêm phòng vắc xin đúng định kỳ. Ông Sầm Văn Chiến, nuôi 7 con trâu đã được ông tiêm phòng đầy đủ. Ông Chiến cho biết, việc chủ động tiêm vắc xin sẽ giúp đàn trâu không mắc bệnh và nếu không may mắc thì việc chữa trị và khả năng hồi phục nhanh, không bị chết. Còn anh Nguyễn Đình Cư chăn nuôi bò có lúc lên đến 15 con luôn khỏe mạnh và sinh sản tốt. Anh Cư cho biết, một trong những yếu tố để đàn bò không mắc các loại bệnh là tuân thủ nghiêm ngặt tiêm phòng các loại bệnh cộng thêm chế độ chăm sóc, bổ sung liều lượng thức ăn hợp lý nên 10 năm qua anh không bị thiệt hại do dịch bệnh trên đàn bò.
Huyện Yên Sơn là địa phương được đánh giá cao về thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc, gia cầm. Hàng năm, tỷ lệ tiêm phòng cho tổng đàn vật nuôi luôn đạt trên 80%. Các xã triển khai tiêm phòng các loại vắc xin đạt tỷ lệ cao là Hoàng Khai, Thái Bình, Kim Quan... Bà Đặng Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Sơn cho biết, với sự chủ động của các hộ chăn nuôi trên địa bàn nên tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi ở các địa phương đạt khá cao. Trung tâm triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ vắc xin của tỉnh đối với các địa phương trong huyện. Hiện nay, 27/28 xã trong huyện được hỗ trợ các loại vắc xin tụ huyết trùng, lở mồm long móng, dịch tả, newcatson, chỉ có vắc xin phòng dại là người dân phải trả tiền. Theo kế hoạch, đến hết tháng 10, trên địa bàn toàn huyện sẽ cơ bản triển khai xong tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
Xã Tam Đa (Sơn Dương) là một trong những địa phương làm tốt công tác tiêm phòng cho đàn vật nuôi, tỷ lệ đạt trên 90%. Do xã làm tốt công tác tuyên truyền đến người dân về tác dụng của việc tiêm phòng cho đàn vật nuôi nên hầu hết các hộ trên địa bàn xã đều tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm của gia đình. Ông Dương Văn Hiến, thôn Hồi Xuân cho biết: “Gia đình tôi đã đăng ký với Thú y xã bố trí thời gian để tiêm phòng cho đàn trâu 10 con. Ngoài ra, còn thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng để đàn trâu khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh”.
Huyện Sơn Dương hiện có trên 25.000 con trâu, bò, trên 124.000 con lợn và trên 1.000.000 con gia cầm. Để tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đạt kết quả cao, UBND huyện Sơn Dương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng đến các hộ chăn nuôi về mục đích, ý nghĩa, hiệu quả của công tác tiêm phòng đối với đàn vật nuôi. Đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm phòng, thông báo lịch tiêm phòng cụ thể đến từng thôn, xóm và phổ biến các quy định phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi để người dân biết chủ động hợp tác và thực hiện. Cán bộ thú y các địa phương tiến hành thống kê, rà soát lên danh sách đàn vật nuôi thuộc diện tiêm phòng cho từng thôn, từng hộ.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm nhưng tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Vụ xuân hè năm 2021 toàn tỉnh chỉ đạt 60% kế hoạch. Ở một số địa phương tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp như huyện Na Hang đạt trên 50% kế hoạch, Lâm Bình 52%, Chiêm Hóa 60%. Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa chỉ đạo quyết liệt về việc tiêm phòng cho gia súc, gia cầm; một bộ phận người dân nhận thức chưa đúng về tác dụng của tiêm phòng vắc xin. Hơn nữa, chế độ phụ cấp hàng tháng cho đội ngũ cán bộ thú y viên cơ sở còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu đặc thù công việc trong khi đây là lực lượng quan trọng trong phòng chống dịch bệnh ở cơ sở. Do đó, trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân vào cuộc tổ chức tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi; có cơ chế hỗ trợ đội ngũ thú y viên, bảo đảm tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng cao nhất theo quy định để hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần xây dựng ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết