Vài năm trở lại đây, gia đình bà Nguyễn Thị Dần, tổ 9, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chuyển đổi 3 sào đất trồng lúa sang trồng ngô sinh khối. Theo bà Dần, trồng ngô sinh khối có thuận lợi là rút ngắn thời gian, mỗi vụ chỉ mất khoảng 70 ngày, chẳng phải quá lo lắng về thời tiết, bệnh hại làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng ngô hạt, lại tăng hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người trồng. Là thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành nên khi ngô được thu hoạch, hợp tác xã bao tiêu, không lo đầu ra. Với 3 sào ruộng trồng ngô sinh khối, mỗi năm gia đình bà thu lãi 14 triệu đồng. Bà Dần nói, doanh nghiệp thu mua từ cây đến quả, gia đình đỡ tốn công dọn ruộng.
Thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành đánh giá hiệu quả
giống ngô sinh khối mới đưa vào trồng thử nghiệm.
Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hưng Thành hiện có 20 ha ngô sinh khối. Để có đầu ra ổn định, hợp tác xã liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Tiến Thành trong bao tiêu sản phẩm ngô sinh khối sau thu hoạch với giá ổn định từ 800-900 đồng/kg.
Xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) phát triển trồng ngô sinh khối với tổng diện tích vụ hè thu năm nay gần 20 ha. Trồng ngô sinh khối, nông dân giảm được đáng kể công chăm sóc và chi phí đầu vào. Đặc biệt, do sản phẩm thu hoạch ở dạng tươi, nông dân không mất thêm chi phí tách hạt, phơi khô và bảo quản. Hiện nay, trên địa bàn xã có Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng chuyên thu mua ngô sinh khối cho người dân trên địa bàn toàn huyện. Ông Trần Ngọc Phong, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng cho biết, hợp tác xã thành lập năm 2020 ngành nghề chủ yếu thu mua, sơ chế cây ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi. Hợp tác xã đầu tư nhà xưởng chế biến, ủ chua gần 100 tấn ngô sinh khối mỗi ngày. Năm 2020, hợp tác xã đã thu mua 1.000 tấn ngô sinh khối cho người dân trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, vụ hè thu năm 2020, hợp tác xã đầu tư giống, phân bón, khuyến khích người dân trồng thâm canh 3 vụ ngô sinh khối với 20 ha cung cấp nguyên liệu ổn định cho chế biến. Theo ông Phong, để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho phía đối tác nước ngoài, hợp tác xã cần duy trì vùng nguyên liệu hơn 150 ha thâm canh trồng 3 vụ ngô sinh khối để đạt sản lượng khoảng 20.000 tấn mỗi năm.
Hiện Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Hoàng đang đưa những giống ngô sinh khối có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho người dân và đáp ứng yêu cầu nguyên liệu. Trong đó vụ hè thu năm 2021, hợp tác xã hỗ trợ người dân trồng thử nghiệm giống ngô sinh khối SSC 586. Theo đánh giá sơ bộ, giống ngô SSC 586 chống chịu sâu bệnh tốt, chịu được thâm canh mật độ trồng dày, thời gian sinh trưởng 70 ngày, năng suất đạt 2,3 tấn/sào cao hơn 900kg so với các giống ngô sinh khối thông thường. Sau khi trừ chi phí mỗi sào thu lãi từ 1,5-1,7 triệu đồng, giống ngô này có thể trồng 3 vụ trong năm.
Ông Pờ Sáng Sầy, thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) cho biết, trước đây gia đình trồng 4.000m2 ngô để khô lấy hạt tốn mất 3 tháng 10 ngày, còn ngô sinh khối chỉ tốn 2,5 tháng nên mỗi năm có thể trồng được 3 vụ. Hạt ngô vừa khô sữa, chín sáp là hợp tác xã đến thu hoạch tại chân ruộng, trả tiền ngay. Làm ngô sinh khối ít tốn công, nhàn hơn là để khô lấy hạt vì làm được nhiều vụ, thu nhập cao hơn. Để khô phải thêm chi phí chăm sóc, rồi còn phải tách hạt mới bán được. Với việc trồng ngô sinh khối phục chăn nuôi 6 con trâu của gia đình, mỗi năm ông Sầy bán hơn 10 tấn ngô sinh khối thu lãi hơn 8 triệu đồng.
Hiện toàn tỉnh có hơn 500 ha trồng ngô sinh khối tại các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, thành phố Tuyên Quang... nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng và hình thành mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi bền vững. Trồng ngô sinh khối đang mở ra cho nông dân hướng đi mới hiệu quả, ngoài việc giảm nguy cơ rủi ro do điều kiện thời tiết, mô hình này còn có thể tăng số vụ sản xuất so với ngô lấy hạt, cải thiện thu nhập. Đặc biệt, giảm đáng kể lượng phân bón, do thời điểm cây ngô từ chín sáp đến chín hoàn toàn là giai đoạn cần rất nhiều dinh dưỡng. Việc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm mang đến sự ổn định trong sản xuất, hạn chế được tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn thường xảy ra ở nhiều loại nông sản.
Gửi phản hồi
In bài viết