“Thiên thời, địa lợi”
Lướt qua Google Maps, xã Côn Lôn hiện ra với cái tên Trung Mường. Cái tên vừa lạ, vừa quen được đặt từ thời Pháp thuộc vẫn còn sử dụng tới bây giờ. Đối với đồng bào dân tộc Tày, chỉ nơi nào rộng lớn, phát triển mới được gọi là “mường”. Trải qua các thời kỳ lịch sử, xã Côn Lôn có nhiều thay đổi về địa giới hành chính. Đầu thế kỷ XIX, xã Côn Lôn thuộc tổng Côn Lôn, châu Đại Man. Tổng Côn Lôn gồm 4 xã Côn Lôn, Yên Viễn, Thượng Nông, Đà Vị. Sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, xã Côn Lôn được gọi là xã Tri Phương. Năm 1986, xã Côn Lôn được tách thành 2 xã Côn Lôn và Khau Tinh.
Cánh đồng Trung Mường xã Côn Lôn (Na Hang).
Chủ tịch UBND xã Mông Văn Pó chỉ tay ra con đường bê tông chạy giữa cánh đồng nói: Xưa kia, hai bên suối là Bản Luông và Bản Thèo, người dân trong vùng gọi là Mường Loòng. Ngược lên thượng nguồn con suối, khu trung tâm xã bây giờ là Bản Vền, Nà Chợ, nơi ấy là Mường Bảng. Các cụ kể lại thì đất Mường ngày xưa nổi tiếng lắm, sầm uất, tấp nập người mua, kẻ bán, nóc nhà nọ sát nóc nhà kia.
Được mệnh danh là cánh đồng phì nhiêu, rộng nhất nhì ở vùng đất Na Hang đã khẳng định quy mô, vị thế của vựa lúa Côn Lôn. Cả vùng lòng chảo trải dài gần 10 km, từ trên cao nhìn xuống mênh mang tầm mắt là một vùng đồng bằng được bao quanh bởi triền núi. Địa thế cánh đồng Trung Mường và khu vực xung quanh cũng rất đặc biệt. Khoảng giữa là dải đất phẳng, rộng chạy dài, lúp xúp những ngôi nhà sàn được lợp bằng mái ngói âm dương của đồng bào dân tộc Tày. Ở đây khí hậu chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa khô và mùa mưa. Giữa các mùa lại có 2 tháng chuyển tiếp là tháng 4 và tháng 10. Do đó độ ẩm tương đối lớn, biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch nhiều. Có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc thù như thế nên bất cứ giống lúa nào được gieo cấy ở đây đều có vị thơm dẻo, đậm đà hơn hẳn những nơi khác.
Tận dụng nguồn nước từ con suối Nậm Mường, người dân xã Côn Lôn (Na Hang) phát triển chăn nuôi ngỗng.
Mới chớm đầu ngày, nhưng ánh nắng đã sà xuống cả lòng thung lũng như thể thiên nhiên đang rót mật. Tầm sáng sớm hoặc cuối chiều, ai đi trên những con đường dẫn vào các thôn, bản cũng thấy những hàng nón trắng, những tấm lưng lom khom, lúi húi nhặt cỏ. Chưa ai lý giải được chính xác vì sao gạo ở cánh đồng Trung Mường lại có vị thơm ngon đặc trưng như thế dù giống lúa không có sự khác biệt nhiều so với những vùng khác. Còn người Côn Lôn thì cho rằng, vì cánh đồng màu mỡ được tưới mát bởi dòng Nậm Mường trong lành, uốn lượn trong lòng chảo cần mẫn ngày đêm mang phù sa bồi tụ cho đôi bờ. Giữa đồng lúa tươi xanh là con suối Nậm Mường chỗ ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chỗ lại chạy dài thoai thoải. Người dân sinh sống lâu năm ở đây vẫn ví dòng Nậm Mường như con rồng nằm giữa phun nước nên lúa cánh đồng Trung Mường mới xanh như thế. Tinh túy của đất trời hội tụ trong từng thớ đất, từng giọt sương ngày đêm tưới mát cho cả cánh đồng.
Phải nói rằng, so với các xã ở vùng cao thì hiếm có cánh đồng nào nằm trong thung lũng lại màu mỡ hơn cánh đồng ở Côn Lôn. Cánh đồng rộng tới hơn 75 ha, nằm dọc con suối Nậm Mường, quanh năm không khi nào thiếu nước. Ông Vi Ngọc Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang tâm sự, là một người công tác trong ngành nông nghiệp cũng đã lâu năm, ông chưa khi nào thấy Côn Lôn mất mùa cả. Hiện nay, bà con trong xã đã biến cánh đồng này thành cánh đồng mẫu lớn, gieo cùng giống, cấy cùng trà, chăm cùng đợt. Năng suất lúa tăng lên trên 80 tạ/ha, nhà nào nhà nấy thóc lúa đầy bồ, quanh năm không lo thiếu gạo.
Người dân xã Côn Lôn (Na Hang) chăm sóc lúa mùa.
Đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ, ông Nguyễn Quảng Bé, thôn Trung Mường cởi mở tâm sự, hiện nay xã đã về đích nông thôn mới, cuộc sống của người dân ở nơi đây đang đổi thay rõ rệt. Còn nhớ ngày xưa đường sá đi lại khó khăn, nhà nào muốn bán con lợn, con gà, con vịt cũng phải vất vả vận chuyển lắm. Bây giờ khác rồi, điện, đường, trường, trạm đủ cả. Trước Rằm tháng 7 vừa rồi thương lái đánh ô tô vào tận cửa mua của gia đình ông hơn 300 con vịt.
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Tuy nhiên, cây lúa trên cánh đồng Côn Lôn này chưa thể giúp người dân xứ mường xưa làm giàu. Xã có trên 5.600 ha đất tự nhiên, nhưng thu nhập của gần 500 hộ dân trong xã chỉ trông vào vỏn vẹn hơn 165 ha đất 2 vụ lúa. Dịch vụ chưa phát triển, chăn nuôi chưa thành vùng tập trung. Hiện nay, toàn xã vẫn còn hơn 40 hộ nghèo. Khi được hỏi về định hướng để người dân ở trong xã phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Chủ tịch UBND xã Mông Văn Pó cho biết, xã đang vận động những hộ gia đình nằm gần suối Nậm Mường phát triển chăn nuôi thủy cầm, gồm ngan, vịt, đặc biệt là phát triển nuôi giống ngỗng cỏ địa phương để có thu nhập.
Đường bê tông nội đồng được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất của người dân trong xã.
Toàn xã hiện có khoảng gần 30 hộ gia đình nuôi ngỗng tập trung ở các thôn 2, thôn 3, thôn 4, thôn Đon Thài… Theo ông Lê Văn Hách, thôn 3 thì ngỗng rất dễ nuôi, chỉ trong vòng 7 tháng là có thể bán được, đặc biệt có sức đề kháng bệnh tật rất tốt. Vài năm nay, cứ đến ngày lễ, Tết và Rằm tháng 7, thương lái đến hỏi mua nhưng không đủ bán. Năm vừa rồi, gia đình ông đã thu lãi gần 20 triệu đồng từ bán ngỗng thịt và trứng ngỗng. Nếu so với chăn nuôi lợn, chăn nuôi ngỗng hiệu quả hơn nhiều vì vốn đầu tư ít, không tốn tiền mua thức ăn nhưng để nuôi thành công ngoài việc chịu khó học tập kinh nghiệm, cần phải chú trọng cách chăm sóc, phòng bệnh nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi.
Trước hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi ngỗng mang lại, xã Côn Lôn đang khuyến khích người dân nuôi ngỗng để xây dựng thương hiệu Ngỗng Côn Lôn. Trong thời gian tới xã sẽ tổ chức liên kết các hộ sản xuất, hình thành các tổ hợp tác, phát huy vai trò của hợp tác xã trong ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Gửi phản hồi
In bài viết