Bảo vệ cây trồng mùa mưa lũ

- Các chuyên gia thời tiết nông nghiệp nhận định rằng, khả năng mùa mưa lũ sẽ đến muộn hơn, nguy cơ đe dọa đến giai đoạn quyết định của cây trồng vụ mùa, do đó bà con cần chủ động phương án để ứng phó giảm thiểu tổn thất.

Sau rất nhiều năm, bà con vùng ruộng trũng Trung Môn (Yên Sơn) mới không phải cấy lại lúa mùa lần 2. Bà Nguyễn Thị Hợi, xóm 7 bảo, hầu như năm nào những hộ canh tác lúa vùng rốn nước cũng phải cấy lại lần 2, thậm chí lần 3. Năm nay mưa vắng hẳn, mừng nhưng cũng lại lo bởi mưa lũ đến muộn sẽ trùng thời điểm lúa làm đòng, trỗ, thậm chí là phơi màu tổn thất nặng hơn. Đề phòng mưa lớn xảy ra gây ngập úng lúa, bà Hợi và những hộ có đất canh tác trên xứ đồng phát quang cỏ dại, củng cố tôn cao, khép kín các bờ vùng, bờ khoảnh, thực hiện nạo vét bùn đất lắng đọng trên hệ thống kênh mương đảm bảo nước về đến đâu tiêu thoát hết đến đó.


Đập thủy lợi Ô Rô, xã Thái Hòa (Hàm Yên) được gia cố đảm bảo tiêu thoát nước
cho toàn bộ cánh đồng 13 thôn khi mưa lớn xảy ra.

Trên địa bàn xã Thái Hòa (Hàm Yên) các phương án phòng, chống úng lụt để bảo vệ diện tích lúa, cây màu luôn sẵn sàng. Ông Trần Văn Niệm, Giám đốc HTX nông nghiệp kiêm Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã khẳng định, ngay khi bước vào sản xuất ban đã tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa bão, tiến hành tu bổ, sửa chữa các máy bơm và các công trình đầu mối; tổ chức nạo vét toàn bộ kênh tiêu, các cửa cống thoát nước; máy bơm dã chiến cũng đã được đưa về các đội sản xuất để vận hành kịp thời nếu mưa lớn xảy ra. Chủ động phương án phòng, chống úng lụt nên đợt mưa lớn cục bộ đầu tháng 8 vừa qua, 430 ha lúa, 500 ha cây ngô, rau xanh, đậu đỗ của bà con được đảm bảo an toàn, ngay cả vùng trũng nhất như Ninh Thái, Đồng Chùa... cũng không xảy ra hiện tượng ngập úng, ông Niệm khẳng định.

Ông Hà Đức Trưởng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh nhận định, năm nay mùa mưa đến muộn hơn so với trung bình năm, khả năng sẽ trùng vào thời điểm cây trồng, trong đó có cây lúa bước vào giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng. Chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ gây ngập úng có thể xảy ra, Ban đã yêu cầu các Ban cơ sở sẵn sàng xây dựng phương án phòng, chống úng chi tiết, cụ thể cho từng vùng; kế hoạch tu bổ công trình phục vụ sản xuất, phương án bảo vệ công trình trọng điểm và phương án vận hành công trình. Tùy theo hiện trạng công trình thủy lợi và địa hình, thủy thế, mỗi vùng có các biện pháp công trình tiêu chủ lực khác nhau; thực hiện rút nước đệm trên các kênh tiêu chính nhằm tạo thuận lợi cho công tác tiêu úng khi có mưa lớn; kiểm tra thường xuyên hệ thống kênh mương, đặc biệt là đối với hệ thống kênh mương tiêu, cửa cống thoát lũ đảm bảo an toàn hồ đập và diện tích lúa, cây màu.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gần 25.000 ha lúa mùa, gần 4.000 ha ngô, trên 2.000 ha lạc và nhiều diện tích cây rau màu khác đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển rất tốt. Riêng đối với cây lúa, trà chính vụ đang bước vào giai đoạn trỗ, chín sáp, giai đoạn quyết định năng suất, sản lượng lúa cho cả vụ. Sở khuyến cáo những năm gần đây, thời tiết diễn biến rất bất thường mưa lớn diện rộng không nhiều thay vao đó mưa lớn cục bộ ở một số địa phương có xu hướng gia tăng dẫn đến nhiều địa phương chủ quan lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống ngập úng. Giảm thiểu tổn thất, các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đôn đốc bà con chủ động các phương án phòng chống úng, ngập; chủ động khơi thông hệ thống mương máng để khi có mưa lớn xảy ra nước nhanh chóng tiêu thoát hạn chế đến mức thấp nhất ngập úng trong giai đoạn này, phấn đấu thắng lợi toàn diện cả về diện tích, năng suất và sản lượng. 

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục