Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh làm việc với huyện Hàm Yên về công tác quản lý đất đai.
UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND về quy định trách nhiệm, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tập trung vào công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; công tác cấp giấy chứng nhận quyền; đo đạc, lập bản đồ địa chính; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất… Đồng thời, tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về đất đai; ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ, vi phạm quy định pháp luật về đất đai.
Đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Từ năm 2018, thực hiện Quyết định 02 của UBND tỉnh, công tác quản lý đất đai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2020 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện, thành phố và tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định của pháp luật. Tỉnh cũng đã cấp 534.718 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình với diện tích trên 261 nghìn ha, đạt gần 94% diện tích đất cần cấp. Đồng thời, hoàn thành lập bản đồ địa chính quy hoạch tỷ lệ lớn cho 43 xã, thị trấn với 558.049 thửa đất, diện tích 37.404 ha; hoàn thành dự án lập hồ sơ ranh giới sử dụng đất, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; triển khai xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai thị trấn Na Hang (Na Hang), thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa).
Toàn tỉnh đã giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện 430 dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương với diện tích 1.805,85 ha. Trong đó, sử dụng cho mục đích quốc phòng - an ninh 19,94 ha; khu, cụm công nghiệp trên 85 ha; trụ sở cơ quan trên 7 ha; khu đô thị trên 11 ha; đất kết cấu, hạ tầng công cộng trên 53 ha; đất cho hoạt động khoáng sản trên 283 ha; di tích lịch sử văn hóa trên 9 ha; khu sản xuất, chế biến nông sản gần 4 ha.
Cùng với đó, các sở, ngành và địa phương trong tỉnh cũng đã chủ động đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra các dự án trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sai phạm liên quan đến quản lý, sử dụng đất, trọng tâm là các hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, sử dụng đất vượt ranh giới, sử dụng sai mục đích. Từ năm 2018 đến nay, thực hiện Quyết định số 02/2018/QĐ-UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan chức năng, huyện, thành phố đã phát hiện 354 vụ của 12 tổ chức, 342 cá nhân có sai phạm về quản lý và sử dụng đất đai với những lỗi như đất bị lấn, bị chiếm, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, cho mượn, không kê khai đăng ký quyền sử dụng đất, chấp hành không đầy đủ nghĩa vụ tài chính với tổng diện tích đất vi phạm 36,78 ha. Theo đó, đã xử lý vi phạm 333 vụ, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 2,1 tỷ đồng. Hiện đang xác minh, hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định 1 vụ việc ở Chiêm Hóa, 2 vụ việc Sơn Dương, 2 vụ việc ở Hàm Yên.
Đồng chí Trần Đức Hạnh, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sơn Dương cho biết: Quản lý chặt chẽ hơn tài nguyên đất, phòng đã tham mưu cho UBND huyện thực hiện Quyết định 02 của UBND tỉnh, đồng thời phối hợp với các đơn vị chức năng, cử cán bộ trực tiếp phối hợp với UBND các xã, thị trấn kiểm tra, rà soát từng trường hợp vi phạm để phân loại từng nhóm trường hợp vi phạm theo nguồn gốc, thời điểm vi phạm, loại đất trước khi vi phạm, hành vi vi phạm làm cơ sở để xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn tại. Nhờ đó, đã giải quyết được cơ bản tình trạng người dân tự ý san lấp mặt bằng, tình trạng lấn, chiếm đất, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hành lang an toàn giao thông, làm nhà trái phép bám theo tuyến Quốc lộ 2C qua huyện và tuyến đường ĐT 186. Đối với các công tác quản lý khác về đất đai cũng đã được kiểm soát chặt chẽ hơn.
Sự tích cực, có trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương đã tạo ra chuyển biến căn bản trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần giảm các vụ khiếu kiện về đất đai, tài nguyên, tạo quỹ đất cho các ngành, lĩnh vực phát triển, đảm bảo thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết