Chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa xuân thời kỳ làm đòng, trổ bông

- Việc chăm sóc cây lúa thời kỳ từ làm đòng đến trổ bông có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi đây là thời kỳ hình thành số hạt/bông, quyết định trực tiếp đến năng suất, sản lượng lúa. Vì vậy việc bón phân đón đòng phù hợp cũng như việc quản lý, phòng trừ hữu hiệu các đối tượng dịch hại ở giai đoạn này là rất cần thiết.

Ngăn ngừa nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông

Vụ xuân năm nay, toàn tỉnh gieo cấy trên 18.000 ha lúa, hiện có gần 8.000 ha đang bước vào thời lúa trỗ, diện tích còn lại đang làm đòng. Kết quả điều tra dịch hại của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bệnh đạo ôn lá đang tiếp tục gây hại tỷ, lệ phổ biến 2-3%, nơi cao có tỷ lệ 10 - 20% lá, cục bộ có chỏm lên đến 30 - 50% số lá.

Thống kê sơ bộ có khoảng 70,3 ha tại các huyện, thành phố bị nhiễm bệnh, trong đó 4,4 ha lúa nhiễm nặng bệnh đạo ôn lá. Từ đầu tháng 5 đến giữa tháng 6, các trà lúa chính vụ, trà muộn bước vào giai đoạn làm đòng - chín, đây là giai đoạn cây lúa mẫn cảm với sâu, bệnh hại nhiều khả năng lại rơi vào thời điểm có những đợt mưa dông, xen kẽ với các đợt nắng nóng là điều kiện thuận lợi sâu bệnh phá hại, nhất là bệnh đạo ôn cổ bông...nếu không phòng trừ kịp thời ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng lúa.

Theo các kỹ sư nông nghiệp, bệnh đạo ôn cổ bông là loại bệnh cực kỳ nguy hiểm và chỉ có thể phòng chứ không có biện pháp trừ. Hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu, bệnh, đặc biệt là bệnh đạo ôn hại lúa, ngày 26-4, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố, các địa phương tăng cường cán bộ bám sát địa bàn, hướng dẫn, đôn đốc nông dân giám sát chặt chẽ sâu, bệnh hại trên lúa, đặc biệt quan tâm đến bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông và lem lép hạt trên toàn bộ diện tích, đặc biệt ở những diện tích đã từng bị bệnh đạo ôn lá, có nguy cơ nhiễm bệnh cao và các giống lúa BC15, HT1, Thiên ưu, J02, nếp...

Cán bộ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Lâm Bình thăm đồng tại xã Thượng Lâm.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, bệnh đạo ôn lá, bà con nên phun trừ kịp thời khi bệnh xuất hiện, để hạn chế sự lây lan ra diện rộng và ngăn ngừa phát sinh gây hại trên cổ bông. Đối với bệnh đạo ôn cổ bông bà con thực hiện phun phòng bằng các loại thuốc đặc hiệu trừ như: Beam 75WP, Kabim 30WP, Filia 35EC… Cách pha chế, liều lượng phun cho một sào thực hiện đúng hướng dẫn có ghi ở ngoài vỏ bao bì, nhãn mác; thực hiện phung trừ ngay khi lúa bắt đầu trỗ và sau khi đã trỗ thoát.

Ông Vũ Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Môn (Yên Sơn) cho biết, gia đình ông gieo cấy 3 sào lúa BC15, vừa qua đi thăm đồng, phát hiện thấy trên lúa xuất hiện bệnh đạo ôn lá, dù vết bệnh mới chỉ rải rác song ông đã mua thuốc phun trừ theo đúng khuyến cáo của cán bộ khuyến nông nghiệp xã. Nhờ vậy mà đã khoanh và khống chế bệnh trong diện hẹp, không để phát sinh. Ông Xuân khẳng định, khắp cánh đồng chưa thấy lúa nhà ai bị bệnh đạo ôn cổ bông, nhưng thời tiết cứ nắng mưa thất thường thế này, phải theo đúng khuyến cáo của xã, xóm, phun trừ ngay để không ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Bà con các xã Cấp Tiến, Đông Thọ…(Sơn Dương); Tân An, Trung Hà…(Chiêm Hóa) cũng đang tích cực thăm đồng theo dõi chặt diễn biến của bệnh đạo ôn lá không để lan rộng làm tăng nguy cơ đạo ôn cổ bông. Chị Bàn Thị Hà, thôn Tân Cường, xã Tân An cho biết, chị đi thăm đồng thường xuyên để theo dõi giám sát sâu, bệnh phát sinh trên lúa và áp dụng đồng thời 2 biện pháp phòng, trừ, với những thửa mới xuất hiện chị Hà ngắt lá nhiễm bệnh, di chuyển ra xa để thiêu hủy; nhưng thửa tỷ lệ nhiễm bệnh cao thực hiện phun trừ.

Khuyến cáo từ các kỹ sư nông nghiệp, ngoài nguy cơ bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, hiện nay các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng; bạc lá đốm sọc vi khuẩn cũng đang phát sinh có dấu hiệu lan rộng. Do đó vậy bà con nông dân phải thăm đồng thường xuyên, theo dõi diễn biến sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng cách).

Ứng phó với khô hạn

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài sự phát sinh gây hại của các đối tượng sâu, bệnh, sản xuất nông nghiệp cũng đang phải đối mặt với hạn hán. Mặc dù hiện nay thời tiết đã có mưa nhưng diện và lượng mưa ít, phân bố không đều nhiều hồ chứa thủy lợi mực nước đã tụt xuống mức rất thấp.

Ông Vũ Văn Huệ, Giám đốc Ban quản lý công trình thủy lợi An Khê, xã Nhữ Khê (Yên Sơn) chia sẻ, nguồn nước tại công trình thủy lợi hồ An Khê hiện đang ở cao trình 43,43 m chỉ cách mực nước chết 1,2 m. Với nguồn nước hiện có ban quản lý chỉ đáp ứng mở nước tưới cho khoảng 50 ha đã có hiện tượng khô, nứt mặt ruộng trong thời gian này khoảng 7 ngày tới, phần còn lại khoảng 160 ha lúa sẽ phải chờ nước trời. Ông Huệ lo ngại với diễn biến thời tiết như hiện nay, dù đã có mưa những lượng và diện không đều khả năng 209 ha lúa của bà con nông dân các xã Nhữ Khê, Nhữ Hán, Đội Bình sẽ rơi vào tình trạng khát nước, ảnh hưởng xấu đến quá trình trỗ bông, kết hạt của lúa xuân.  

Lúa Xuân của bà con nông dân thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến ( Sơn Dương) đã bị xé rễ do khô hạn.

Khô hạn cũng đang làm cho nhiều bà con nông dân tại thôn Thái Bình, xã Cấp Tiến (Sơn Dương) đứng ngồi không yên. Bà Ninh Thị Di buồn ràu chia sẻ, chỉ duy nhất lúc đặt cây lúa xuống ruộng là có nước, còn sau đó lúa luôn trong tình trạng “khát” nước. Mặc dù gia đình bà và nhiều hộ trong thôn đã dẫn ống bơm nước sinh hoạt từ nhà xuống để cứu lúa nhưng cũng không thể,  đất vẫn khô nẻ, xé đứt hết rễ lúa, bà Di ngậm ngùi.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương nhận định, vụ Đông Xuân 2022-2023, tại Bắc Bộ, lượng mưa đầu vụ phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm; dòng chảy toàn mùa kiệt hạ lưu song, suối có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm đây là những bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Đức Trưởng, Phó Giám đốc Ban Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết, ứng phó với tình trạng khô hạn, Ban quản lý các công trình thủy lợi đã có kế hoạch giữ và tưới nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, tạo điều kiện cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa phát triển tốt. Hiện nay một số ban quản lý công trình thủy lợi tại các xã đã sử dụng máy bơm dã chiến bơm nước từ sống, hồ, suối tưới cho diện tích lúa. Theo ông Trưởng, ngoài sự nỗ lực của Ban, bà con nông dân cũng khẩn trương có các giải pháp như: sử dụng máy bơm di động để bơm nước từ các nguồn nước gần nhất, đắp giữ nước ở các mương tiêu, khe, lạch để tạo nguồn nước bơm, tát bảo vệ lúa xuân.                                                                           

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục