Liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã thực sự bền vững?

- Để sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản có hiệu quả, nhiều mô hình hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp đã ra đời, trong đó chuỗi sản xuất mía đường được coi là tương đối bền vững. Tuy nhiên, thời gian gần đây liên tiếp xảy ra hiện tượng người trồng mía tự ý chặt mía có hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương để bán cho thương lái. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về chuỗi liên kết đã thực sự bền vững?

Bài 1: Tự ý phá vỡ hợp đồng

Dù đã ký hợp đồng đầu tư trồng, bán mía với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương nhưng tại một số địa phương, người dân tự ý chặt mía bán cho thương lái. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty và quyền lợi của người trồng mía.

>>Bài cuối: Bảo đảm lợi ích và niềm tin giữa hai bên

Khó quản lý

Những ngày gần đây, trên địa bàn xã Phú Lương, Trung Yên, Hồng Lạc (Sơn Dương); Minh Quang, Xuân Quang, Vinh Quang, Bình Nhân (Chiêm Hóa)... tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương tự ý chặt mía nguyên liệu bán cho tư thương để đưa sang Trung Quốc tiêu thụ qua đường tiểu ngạch. Thống kê của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, tính đến ngày 31-12, đã có ít nhất 52 ha mía nguyên liệu bị đốn chặt để tuồn ra ngoài tiêu thụ. Trong đó, nhiều nhất là Chiêm Hóa với khoảng 40 ha, tương đương với trên 2.000 tấn mía cây.

Đồng chí Ngô Thế Phòng, Chủ tịch UBND xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) thừa nhận, đã có ít nhất 17/27 ha mía nguyên liệu đã bị bà con đốn chặt bán ra ngoài. Lo ngại tư thương mua chộp giật ảnh hưởng quyền lợi của doanh nghiệp, người dân, uy tín của chính quyền địa phương, xã đã cử cán bộ xuống lập biên bản, yêu cầu tư thương, người dân chấm dứt ngay tình trạng trên. Tuy nhiên, do không có chế tài để xử lý nên việc ngăn chặn gần như rất khó thực hiện. Cũng trên địa bàn huyện Chiêm Hóa, người trồng mía ở các xã Tân An, Vinh Quang, Phúc Sơn... cũng tự ý đốn chặt và bán cho tư thương để vận chuyển qua đường tiểu ngạch ra nước ngoài tiêu thụ. 


 

Khoảng 10 ha mía trên địa bàn xã Trung Yên, Hồng Lạc, Phú Lương (Sơn Dương) cũng đã bị đốn chặt không theo kế hoạch của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. Đại diện chính quyền xã Phú Lương thừa nhận, tại các thôn Gia Cát, An Thịnh, Hưng Tiến, Đồng Khuôn, Chấn Kiêng... là đất sản xuất của Nhà máy Đường Sơn Dương nhưng người dân thuê làm, khi mía được thu hoạch, người dân chặt mía bán, xã rất khó để can thiệp.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết, qua theo dõi nắm tình hình của hệ thống cán bộ nông vụ, trung bình mỗi ngày có khoảng 100 tấn mía trong vùng nguyên liệu được chuyên chở bằng các xe ô tô tải cỡ lớn đi sang 2 tỉnh Hà Giang và Cao Bằng để chuyển qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc tiêu thụ. Tranh mua, giá các tư thương trả cho người trồng mía chỉ đạt 650 - 700 nghìn đồng/tấn, thấp hơn giá cam kết của công ty 150 - 200 nghìn đồng/tấn. Ông Dũng lo ngại, tốc độ thất thoát như vậy, trong khi vùng nguyên liệu mía của công ty đã bị thu hẹp ở mức thấp nhất từ trước đến nay với khoảng 3.000 ha thì chắc chắn sẽ không đủ đáp ứng công suất chế biến cho 1 nhà máy. Thực tế hiện nay, dù đã tạm dừng sản xuất Nhà máy đường Sơn Dương, tập trung sản xuất tại Nhà máy đường Tuyên Quang nhưng lượng mía nguyên liệu vào nhà máy mỗi ngày hiện nay mới chỉ đáp ứng được 50 - 60% công suất chế biến. Tình trạng này đẩy công ty vào khó khăn kép, khó thu hồi vốn, thiếu nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

Ngăn chặn tình trạng bán mía ra ngoài

Trước thực trạng người dân, tư thương tự do mua, bán mía gây mất ổn định vùng nguyên liệu, ngày 8-1-2021, UBND tỉnh đã có Văn bản số 42/UBND-NLN về việc phối hợp quản lý nguyên liệu đã được đầu tư theo quy hoạch của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, ngành chức năng chỉ đạo UBND cấp xã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện đúng cam kết theo hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký, không tự ý bán mía nguyên liệu đã được đầu tư cho các đối tượng khác; phối hợp thực hiện các biện pháp quản lý chặt chẽ vùng nguyên liệu đã được công ty đầu tư và xử lý nghiêm theo quy định, các trường hợp cố tình tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía do công ty đã ký kết hợp đồng đầu tư với các hộ dân. Kiểm tra yêu cầu các lò mật thủ công, thương lái thu mua trên địa bàn cam kết không tranh mua nguyên liệu mía trong vùng quy hoạch nguyên liệu của Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và đã được công ty đầu tư thông qua hợp đồng theo đúng quy định của pháp luật.

Bãi tập kết mía của các tư thương tại xã Hồng Lạc (Sơn Dương) trước khi đưa đi tiêu thụ. 

Ngăn chặn tình trạng này, ngày 23-12-2020, UBND huyện Sơn Dương đã có Văn bản số 3069 về việc quản lý vùng nguyên liệu trên địa bàn. UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện quản lý chặt chẽ diện tích mía nguyên liệu trên địa bàn, nắm bắt thông tin, ngăn chặn kịp thời, kiên quyết không để xảy ra tình trạng tư thương mua mía nguyên liệu giá rẻ, không có hợp đồng gây thiệt hại về kinh tế và không tuân thủ các hợp đồng giữa Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương và các hộ trồng mía. Khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm hợp đồng báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Còn tại huyện Chiêm Hóa, địa phương đang “nóng” về tình trạng tranh mua mía nguyên liệu, ngày 31-12-2020, đồng chí Vũ Đình Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa đã triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND 11 xã nằm trong vùng nguyên liệu và các cơ quan chức năng để bàn và triển khai ngay các biện pháp ngăn chặn. Đồng thời cam kết, huyện sớm vào cuộc để ngăn chặn hành vi tranh mua bảo vệ quyền và lợi ích của cả doanh nghiệp và người trồng mía.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục