Quyền và lợi ích đôi bên đã bảo đảm?
Trong giai đoạn vừa qua, sản xuất mía đường của tỉnh gặp nhiều khó khăn do sự cạnh tranh không lành mạnh, lấn át của đường nhập lậu; dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp làm thu hẹp thị trường, sản phẩm đường của Công ty cổ phần Mía đường làm ra hầu như bị tồn kho. Niên vụ 2018 - 2019 và 2019 - 2020 vừa qua, đường bán ra không đủ bù giá thành sản xuất, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương đã phải điều chỉnh giá thu mua mía nguyên liệu từ 900 nghìn đồng/tấn xuống còn 800 nghìn đồng/tấn. Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 6 đến tháng 8-2020, công ty đã phải xin gia hạn việc thanh toán tiền cho người trồng mía.
Chưa kể trong quá trình thu mua, vận chuyển mía nguyên liệu vẫn tồn tại những vấn đề chưa được giải quyết triệt để như vận chuyển mía chưa kịp thời, để mía tồn đọng, giảm chất lượng mía. Hơn nữa, việc thanh toán cho người trồng mía của công ty chậm so với hợp đồng. Đây là những lý do chính khiến lòng tin của người trồng mía bị giảm sút, trong khi nhiều cây trồng khác giá trị kinh tế cao hơn dẫn đến tình trạng phế canh cây mía không thể kiểm soát. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời điểm năm 2015, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh khoảng 12.000 ha thì đến nay còn chưa đầy 3.000 ha.
Nhà máy đường Tuyên Quang, xã Bình Xa (Hàm Yên) bước vào niên vụ ép mới.
Quay trở lại với người dân, trong đó có các hộ trồng mía, sự “tự do” không tuân thủ hợp đồng, các quy trình sản xuất là căn bệnh trầm kha. Còn nhớ niên vụ 2016 - 2017, mặc dù Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương hỗ trợ định mức phân bón, vật tư để người dân chăm sóc mía, tuy nhiên, nhiều hộ dân lĩnh phân bón, vật tư về không bón cho mía mà bón cho cây trồng khác. Và hiện nay là việc đưa mía nguyên liệu ra ngoài tiêu thụ cho dù nằm trong hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với công ty.
Ông Hoàng Văn Cương, thôn Bình An, xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) không bán cho Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương mà bán cho tư thương. Theo ông Cương, mọi năm khoảng đầu tháng 10, cán bộ nông vụ đến kiểm tra, thống kê diện tích mía, đồng thời lên kế hoạch chặt mía. Vụ mía này đến cuối tháng 11-2020, ông vẫn chưa nhận được kế hoạch đốn chặt. Lo sợ công ty không sản xuất nên khi thương lái hỏi mua ông bán liền mặc dù giá thấp hơn so với những năm trước 150 nghìn đồng/tấn. Bán cho thương lái “tiền tươi thóc thật”, không phải chờ đợi tiền lâu như bán cho công ty.
Cùng thôn Bình An, gia đình ông Hoàng Văn Điện cũng tự ý đốn chặt 0,2 ha mía nguyên liệu nằm trong hợp đồng với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương để bán ra ngoài. Theo ông Điện, bán cho tư thương dù giá rẻ nhưng ông thu được tiền luôn để trang trải chi phí sản xuất.
Đồng chí Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ rõ, để xảy ra tình trạng này, cả người nông dân và doanh nghiệp đều bị thiệt hại, người đắc lợi chính là tư thương. Người dân bán mía ra ngoài với giá thấp hơn công ty cam kết thu mua, chưa nói đến các điều kiện đảm bảo cho sự bền vững. Nhiều khả năng thị trường thuận lợi tư thương sẽ thu mua, ngược lại nếu tiêu thụ khó khăn chắc chắn tư thương sẽ dừng, lúc đó không ai khác chính người nông dân phải gánh chịu thiệt hại kinh tế.
Còn đối với doanh nghiệp, thất thoát nguồn nguyên liệu sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Không chỉ riêng đối với ngành mía đường, tình trạng phá vỡ hợp đồng đã xảy ra đối với một số sản phẩm như chè, hiện nay là cả dưa chuột và một số sản phẩm khác. Quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân trong chuỗi sản xuất hàng hóa phải được nhìn nhận một cách thấu đáo, hài hòa lợi ích.
Liên kết sản xuất cần được xây dựng trên lợi ích và niềm tin
Tại cuộc họp của UBND huyện Chiêm Hóa với Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương, cơ quan chức năng trên địa bàn và lãnh đạo 11 xã nằm trong vùng nguyên liệu mía ngày 31-12-2020, Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Vũ Đình Tân đề nghị, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương phải có trách nhiệm thông tin kịp thời, rộng rãi kế hoạch thu mua, chặt mía đến từng địa phương. Thực tế, từ tháng 6 đến tháng 11-2020, một số xã trên địa bàn huyện không thấy “bóng dáng” của cán bộ nông vụ công ty. Chính sự thiếu sát sao của cán bộ nông vụ dẫn đến tình trạng khó quản lý vùng nguyên liệu. Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng cần bố trí phương tiện để vận chuyển tránh tình trạng mía của người dân thu chặt không được vận chuyển ngay giảm chất lượng; thực hiện thanh toán đầy đủ cho bà con theo đúng hợp đồng, nếu có vướng mắc phải được họp bàn, thống nhất cách giải quyết; tiếp tục thực hiện chính sách tái đầu tư phát triển vùng mía nguyên liệu... để lấy lại niềm tin với người trồng mía.
Tại văn bản số 42/UBND-NLN, ngày 8-1-2021 của UBND tỉnh nêu rõ: Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương thực hiện đúng các cam kết với các hộ trồng mía theo hợp đồng đã ký; có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, giám sát chủ các phương tiện vận chuyển mía nguyên liệu cho công ty; chủ động bố trí cán bộ, phối hợp với chính quyền địa phương trong vùng quy hoạch nguyên liệu mía kiểm tra, giám sát các hộ gia đình thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi theo đúng hợp đồng đầu tư cung ứng nguyên liệu đã ký để thu mua được tối đa nguyên liệu phục vụ sản xuất của nhà máy chế biến.
Để lấy lại niềm tin với người trồng mía, niên vụ 2020 - 2021, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cam kết tổ chức thu mua hết diện tích mía cho người dân; có kế hoạch đốn chặt, bố trí phương tiện vận chuyển mía trong thời gian sớm nhất; thực hiện thanh toán tiền mía nguyên liệu cho người dân theo đúng cam kết với giá 850 nghìn đồng/tấn; hỗ trợ máy móc, phương tiện, vật tư cải tạo đất trồng mới, trồng lại diện tích mía đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với người dân, ngoài lợi ích được hưởng cũng phải có trách nhiệm thực hiện đúng điều khoản trong hợp đồng, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Liên kết sản xuất là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Để đảm bảo liên kết bền vững phải được xây trên lợi ích và niềm tin của cả đôi bên doanh nghiệp và người nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết