Bài 1: Quyền sử dụng không phải là quyền sở hữu
Bài 2: Không bỏ phí “đất vàng”
Nghị quyết 18-NQ/TW tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Quyền sử dụng không phải là quyền sở hữu. Nội dung này đặt ra yêu cầu cần phải tuyên truyền, giáo dục sâu rộng để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về hai quyền này.
Nguyên nhân chính dẫn tới các khiếu nại và vi phạm về đất đai
Trên thực tế, thời gian qua, việc không nhận thức rõ ràng, đầy đủ giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng về đất đai của nhiều tổ chức, cá nhân hoặc cố tình đánh đồng hai quyền này là nguyên nhân chính dẫn tới các khiếu nại về đất đai và các vi phạm về đất đai trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Sự nhầm lẫn hoặc cố tình nhầm lẫn này đã dẫn tới nhiều trường hợp, người được cấp quyền sử dụng đất (người dân) tự mình quyết định mục đích sử dụng đất của thửa đất, điển hình là những vi phạm xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp, tự ý san gạt chuyển mục đích sử dụng, chuyển nhượng cho thuê không đúng đối tượng, không phù hợp với loại đất và không được phép chuyển nhượng...
Theo đồng chí Vũ Việt Hưng, Quyền Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với UBND tỉnh giải quyết xong 20 đơn khiếu nại, đang giải quyết 4 đơn khiếu nại về đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Sở trình UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hành chính 6 trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích. Những vụ việc này có nguyên nhân chính xuất phát từ nhận thức không đúng hoặc cố tình đánh đồng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng.
Theo khảo sát tại thành phố Tuyên Quang - địa phương có nhiều công trình, dự án lớn về phát triển kinh tế - xã hội đã và đang triển khai đầu tư xây dựng. Khối lượng công việc phải giải phóng mặt bằng, diện tích đất phải thu hồi lớn, thời gian qua đã gặp không ít trở ngại và khó khăn trong việc vận động giải phóng mặt bằng, thu hồi đất. Nguyên nhân chủ yếu do người dân nhầm lần giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng hoặc có hiểu biết đầy đủ nhưng cố tình không đồng thuận với chủ trương, chính sách thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng để nhằm mục đích trục lợi, đưa ra các điều kiện không đúng với quy định của Nhà nước.
Khu tái định cư của một số hộ dân thuộc diện thu hồi đất thực hiện công trình đường Hồ Chí Minh tại thôn 4,
xã Thái Bình (Yên Sơn).
Theo đồng chí Bùi Đức Dũng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), hiện nay phường đang cùng các cấp, ngành, chính quyền thành phố tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc giải phóng mặt bằng để đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến tại tổ 8. Tổng diện tích đất trồng cây hàng năm phải thu hồi và đền bù là 26,12 ha. Để thực hiện dự án này có 384 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Qua công tác vận động đã có 375 hộ đồng thuận với phương án đền bù của Nhà nước, chỉ còn 9 hộ hiện nay chưa đồng thuận bàn giao mặt bằng. Nguyên nhân mà các hộ này đưa ra là giá đền bù của Nhà nước thấp hơn giá thị trường hiện nay, yêu cầu hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp trong khi một số hộ không thuộc đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quy định, yêu cầu được mua một thửa đất theo giá công khai trong Khu đô thị.
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Sơn, hàng năm số vụ việc khiếu nại, đơn thư liên quan về đất đai khá lớn. Từ năm 2021 đến tháng 6 - 2022, toàn huyện tiếp nhận 223 đơn thư có nội dung kiến nghị, phản ánh về đất đai. UBND huyện trình UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt hành chính về đất đai đối với 2 trường hợp. UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với 11 trường hợp và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn quyết định xử phạt hành chính đối với 51 trường hợp vi phạm về đất đai. Nội dung vi phạm chủ yếu là chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý san gạt trên thửa đất khi chưa được phép.
Điển hình như vụ việc tại tổ 4, phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) có cá nhân có 8 hành vi vi phạm về đất đai, bị UBND huyện ra quyết định xử phạt hành chính vừa qua trên thửa đất tại thôn Dân Chủ, xã Đội Bình (Yên Sơn). Người này đã vi phạm khi chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn, làm biến dạng địa hình thửa đất, làm suy giảm chất lượng đất, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn; xây dựng chuồng chăn nuôi không có giấy phép hoạt động và làm tường, đào đắp hồ trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; gieo trồng các loại cây hoa màu trên bờ, tập kết vật liệu trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.
Thực tế cho thấy, không ít tổ chức, cá nhân hiện nay nhận thức lầm lẫn rằng, Nhà nước cấp quyền sử dụng đất thì thửa đất đó thuộc quyền sở hữu của mình. Bản thân họ có quyền chiếm hữu mảnh đất đang sử dụng và cho rằng đó là quyền của mình, bao gồm quyền sở hữu. Nhận thức lầm lẫn này đang gây ra khó khăn rất lớn trong công tác quản lý về đất đai và còn làm cản trở sự đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Tuyên truyền, giáo dục đi liền với cương quyết xử lý
Theo đồng chí Phạm Ninh Thái, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn, đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nhất là về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Nhà nước cấp cho tổ chức, cá nhân quyền sử dụng đất, tức là tổ chức, cá nhân đó chỉ được quyền sử dụng thửa đất đó vào mục đích mà Nhà nước cho phép.
Khi Nhà nước không trao quyền sử dụng đó nữa để nhằm mục đích thực hiện các dự án, công trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh thì tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm, nghĩa vụ tạo mọi điều kiện thuận lợi để Nhà nước thực hiện.
Diện tích đất trồng cây hàng năm tại tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) phải thu hồi để thực hiện Dự án Khu đô thị dịch vụ và dân cư Nông Tiến đang gặp khó khăn trong công tác vận động giải phóng mặt bằng.
Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu. Đây là hai quyền hoàn toàn khác nhau. Các cấp ủy, chính quyền cần phải tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên nhận thức đúng và đầy đủ trước. Từ đó giải thích, tuyên truyền để nhân dân nắm rõ, hiểu đầy đủ và đúng về hai quyền này đã được quy định trong Luật Đất đai, các nghị quyết trước đây và Nghị quyết số 18 lần này.
Luật sư Phạm Mạnh Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho rằng, nguyên nhân của nhiều vụ việc khiếu nại, đơn thư kéo dài, vượt cấp là do một số cá nhân cố tình nhầm lẫn, đánh đồng giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng. Do đó, đi liền với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cần phải cương quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp cố tình đánh đồng để lợi dụng nhằm trục lợi, gây cản trở cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo đồng chí Phạm Văn Vượng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Tuyên Quang, để nhân dân nhận thức đầy đủ, đúng đắn các chính sách, pháp luật về đất đai cần một quá trình dài. Phòng tiếp tục kiên trì tham mưu với UBND thành phố chỉ đạo triển khai các giải pháp tuyên truyền pháp luật về đất đai, thực hiện tốt hơn nữa các chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư và các chính sách an sinh khi thực hiện thu hồi đất như giao đất, hỗ trợ sinh kế… Đồng thời sẽ tổ chức cưỡng chế, xử lý nghiêm đối với những trường hợp cố tình làm trái quy định về đất đai.
Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 chỉ hiệu quả khi tinh thần, nội dung của nghị quyết được thấm nhuần tới từng cán bộ, đảng viên và từng người dân, doanh nghiệp. Trong đó, yêu cầu đặt ra là cần tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng và đầy đủ về quyền sở hữu và quyền sử dụng đất.
Gửi phản hồi
In bài viết