Phát huy nguồn lực đất đai - Bài 2: Không bỏ phí “đất vàng”

- Với nhiều giải pháp huy động nguồn lực về đất đai, Tuyên Quang đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều khu “đất vàng” được quản lý khai thác đã phát huy hiệu quả, tạo cú huých thu hút đầu tư, phát triển đô thị...

Bài 1: Quyền sử dụng không phải là quyền sở hữu

Nguồn lực từ đất

“Đất vàng” là những khu đất tại những vị trí đắc địa như các khu trung tâm thương mại, các khu đô thị, khu công nghiệp, trục đường giao thông chính và “đất vàng” trong tương lai là những nơi được cơ quan chức năng quy hoạch các dự án phát triển du lịch, công nghiệp, khu dân cư và các dự án mở mới các tuyến đường giao thông…

“Đất vàng” tạo ra giá trị lợi nhuận nên không chỉ có sức hút đối với các nhà đầu tư, giới kinh doanh bất động sản và ngay cả với người dân. Vì thế quản lý, sử dụng hiệu quả “đất vàng” phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. 

Sơn Nam đang phát triển theo quy hoạch đô thị loại V.

Từ năm 2011 - 2020, căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt, tỉnh đã thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện 948 dự án với tổng diện tích là 6.183,26 ha. Trong đó, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án trọng điểm như: đường Hồ Chí Minh tại huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang; Trung tâm thương mại, nhà phố Tuyên Quang Shop house, Khách sạn Mường Thanh (TP Tuyên Quang); thủy điện Yên Sơn, thủy điện Chiêm Hóa; thủy điện sông Lô 6, sông Lô 7; thủy điện sông Lô 8A, 8B; Nhà máy sản xuất giầy, dép xuất khẩu tại cụm công nghiệp Tân Thành (Hàm Yên); khu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng công cộng thuộc Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang); các dự án đầu tư trong khu công nghiệp Long Bình An; các dự án tại cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương)…

Việc thu hồi đất, giao đất đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Đất được giao, cho thuê được chuyển mục đích sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch được duyệt và đưa vào sử dụng. Các dự án đã và đang triển khai phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của tỉnh khá cao mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết và xung đột thế giới. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 5,67%; thu ngân sách của tỉnh đạt 2.400 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 15.022 tỷ đồng. Những kết quả đạt được đó có sự phát huy hiệu quả nguồn lực từ đất đai.

Huyện Sơn Dương đang khai thác tốt nguồn lực đất đai cho phát triển. Nhiều trung tâm cụm xã đang xây dựng theo quy hoạch đô thị như xã Sơn Nam, Hồng Lạc, Tân Trào. Các khu, cụm công nghiệp đang được lấp đầy với tổng số trên 200 doanh nghiệp đầu tư ở tất cả các lĩnh vực. Đồng chí Giang Tuấn Anh, Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương khẳng định: nguồn lực đất đai đã và đang là lực đẩy để Sơn Dương phát triển. Vì vậy, huyện sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, thực hiện quy hoạch sử dụng đất chặt chẽ đảm bảo không lãng phí nguồn lực từ đất, nhất là các khu “đất vàng” để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã được vẫn còn những hạn chế, bất cập. Tại hội nghị Ban Thường vụ kỳ thứ 25 cho ý kiến vào dự thảo chương trình hành động thực hiện các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) được tổ chức mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm nhấn mạnh, hiện trong khu vực thành phố và trung tâm đô thị tình trạng các cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hoạt động vẫn còn, vẫn còn dự án thuê đất, giao đất nhưng chậm triển khai đầu tư; quy hoạch xây dựng trường học ở vị trí đắc địa đã làm giảm nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế. Điều này, vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai ở khu vực đô thị, vừa là nguyên nhân gây ra ô nhiễm, tắc đường, mất mỹ quan đô thị... Vì vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm, đảm bảo phát triển thành phố theo tiêu chí xanh - sạch - hiện đại cần được các ngành chức năng tập trung xem xét, xử lý theo quy định.

Quản lý chặt chẽ nguồn lực đất đai và tạo thêm quỹ “đất vàng” tạo thêm nguồn lực, tỉnh đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 cấp tỉnh, công khai, minh bạch thông tin quy hoạch, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở dữ liệu. Căn cứ quy hoạch sẽ làm giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư các dự án phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Ngăn chặn phân lô, bán nền trái quy định

Giá đất tăng cao, gây sốt ảo do việc phân lô, bán nền trái phép diễn ra tràn lan ở nhiều tỉnh, thành phố, nhất là đối với “đất vàng” đã gây thất thoát nguồn lực Nhà nước, nhiễu loạn thị trường bất động sản.

Tại tỉnh ta, việc phân lô, bán nền trái quy định chưa diễn ra nhưng việc người dân tự ý chuyển nhượng đất, tách thửa, hợp thửa đất để phân lô, bán nền khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép đã manh nha, có dấu hiệu phát triển; thị trường bất động sản có dấu hiệu đầu cơ, mua đi bán lại đất đai gây sốt ảo trên thị trường. Công tác quản lý san lấp đất tại một số địa bàn còn chưa đảm bảo quy định; sử dụng đất trái mục đích, nhất là đất lâm nghiệp còn xảy ra ở một số địa bàn. Một số dự án đầu tư ngoài ngân sách được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng sử dụng đất không hiệu quả, chậm đưa đất vào sử dụng hoặc không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai. Trước thực trạng đó, tỉnh đang vào cuộc chỉ đạo các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là cán bộ tiếp tay cho hoạt động này. Đã có nhiều cán bộ có thẩm quyền ở cấp xã bị xử lý hình sự vì lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai bị khởi tố.

Trước yêu cầu công tác quản lý nguồn lực đất đai, UBND tỉnh đã có văn bản số 1193, ngày 9-4-2022 chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này. Đồng chí Đặng Minh Tơn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã ban hành văn bản 797 về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghiêm cấm việc san lô, bán nền trên địa bàn tỉnh; yêu cầu UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 1193/UBND-KT, ngày 9-4-2022 về việc tăng cường công tác quản lý đất đai và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các UBND các xã, phường không thực hiện việc chứng thực đối với các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có dấu hiệu đầu cơ, trục lợi; không được xác nhận hành vi chuyển quyền sử dụng đất dưới hình thức viết tay. Phòng Tài nguyên và Môi trường và cơ quan chuyên môn trực thuộc không lập thủ tục cho phép chuyển mục đích, tách thửa đất đối tất cả các loại đất tại các khu vực không phù hợp với quy hoạch sử dụng hoặc nằm trong quy hoạch. Việc chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở phải theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt, nhất là tại các khu vực quy hoạch sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại, khu đô thị tại vị trí đất bám trục đường giao thông, lợi thế thương mại cao, quỹ đất ven các trục đường quy hoạch mở mới, khu vực quy hoạch các công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, công trình hạ tầng kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm, bảo đảm không để lãng phí tài nguyên đất đai, phát huy cao độ giá trị của đất đai trong quá trình hội nhập và phát triển.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Tin cùng chuyên mục