Tín chỉ carbon rừng - Cơ hội tạo nguồn lực tăng trưởng xanh
Rừng là một trong những nguồn quan trọng nhất để giảm khí nhà kính trong khí quyển gây biến đổi khí hậu. Các phương pháp quản lý rừng bền vững, như giảm mất rừng và suy thoái rừng, bảo vệ rừng hiện có, phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng như Tuyên Quang là cần thiết để duy trì vai trò của rừng như là một nguồn hấp thụ và tích lũy các bon giúp giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Giáo sư, Tiến sĩ Bảo Huy trong một lần nghiên cứu tín chỉ carbon rừng.
Nguồn lực để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng rất hạn chế, chủ yếu từ dịch vụ môi trường rừng đầu nguồn, cộng đồng địa phương chỉ có thêm một ít thu nhập từ thu hái lâm sản ngoài gỗ, trong khi đó rừng cung cấp nhiều dịch vụ sinh thái môi trường khác nhau trong đó có dịch vụ tích lũy carbon để giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Vì vậy nếu Tuyên Quang nói riêng, Việt Nam nói chung tiếp cận được với thương mại carbon rừng và giá tín chỉ carbon được nâng cao sẽ tạo nguồn lực tài chính đáng kể và thường xuyên cho chủ rừng, cộng đồng, người dân, để đầu tư bảo vệ, phát triển rừng và cải thiện đời sống.
Thế giới cũng đã có những cam kết chi trả cho Việt Nam các tín chỉ các bon rừng nhờ giảm phát thải khí nhà kính từ suy thoái và mất rừng và tích lũy các bon rừng sau khi trừ đi đóng góp tự nguyện của quốc gia. Ở trong nước đã có văn bản pháp lý về kiểm kê khí nhà kính và xác lập hạn ngạch phát thải các bon cho các lĩnh vực, ngành, cơ sở sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để tạo ra thị trường các bon rừng trong nước, cho từng khu vực, địa phương. Đó thực là một bước tiến dài của Việt Nam trong xây dựng thương mại các bon rừng để hỗ trợ cho sinh kế của người dân, chủ rừng và thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
Chính phủ đã ban hành các văn bản về kiểm kê khí nhà kính và xác lập phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng lĩnh vực, ngành, cơ sở. Đây là cơ sở để hình thành thị trường các bon rừng trong nước. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở sẽ được cấp từ 2026 - 2030 đồng thời với xác nhận tín chỉ các bon, từ đó sẽ hình thành bên bán và bên mua tín chỉ các bon rừng để bù đắp lượng các bon phát thải vượt hạn ngạch. Dự kiến thị trường các bon sẽ được thí điểm từ năm 2027 và năm 2028 trở đi sẽ phát triển sàn giao dịch các bon trong nước và cả quốc tế.
Ít nhất là 4 - 5 năm nữa thì chủ rừng, địa phương mới có thể tiếp cận thương mại các bon rừng. Thời gian đòi hỏi dài như vậy cũng là do có nhiều nội dung về kỹ thuật, thể chế, quản lý, vận hành và tiếp cận từ cấp trung ương đến cơ sở để kiểm kê, xác lập tín chỉ các bon và hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho từng cơ sở, cộng đồng, địa phương, ngành.
Với một tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn, lượng cất trữ carbon nhiều chắc chắn Tuyên Quang sẽ là tỉnh đi đầu trong việc gia nhập thị trường tín chỉ carbon. Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực này, theo tôi Tuyên Quang cần tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện. Nên lựa chọn cách tiếp cận cấp quản lý rừng và tín chỉ các bon rừng hài hòa giữa cấp quốc gia, địa phương và chủ rừng. Đây là cách tiếp cận khoa học và hiệu quả nhất hiện nay mà thế giới đang thực hiện để tạo ra sự linh hoạt và động lực cho từng cấp, từng địa phương và chủ rừng.
Thứ nữa, Tuyên Quang cũng cần tính đến việc kiện toàn lại Quỹ bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới trong việc điều phối, tập hợp các chủ rừng để cùng thực hiện MRV (Hệ thống đo tính, báo cáo, thẩm định và xác định tín chỉ các bon rừng) về phát thải/hấp thụ CO2 nhằm giảm chi phí thẩm định.
Theo lộ trình thì đến năm 2028 các chủ rừng, các địa phương mới có thể bắt đầu được tham gia thị trường các bon rừng trong nước. Đây là khoảng thời gian đủ để Tuyên Quang và một số tỉnh có tiềm năng, lợi thế về tín chỉ carbon xem xét khả năng phân cấp đến địa phương đồng thời hỗ trợ cho chủ rừng, địa phương tiếp cận được các thị trường carbon rừng quốc tế nhằm rút ngắn thời gian và đa dạng hóa thị trường carbon rừng, sớm mang lại nguồn lực tài chính cho người quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Duy trì giao đất giao rừng cho cộng đồng và hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng vào thị trường carbon rừng, bởi trong các chương trình giảm phát thải khí nhà kính từ suy thoái và mất rừng thế giới đều hướng tới mục tiêu hỗ trợ người dân và cộng đồng địa phương sống phụ thuộc vào rừng. Đây là điều cần làm không chỉ liên quan đến tín chỉ carbon rừng mà còn đến sinh kế, văn hóa của cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.
Ngoài ra, theo các nghiên cứu quốc tế và trong nước thì cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số còn có thể tham gia vào MRV như cung cấp thay đổi diện tích rừng, đo đếm cây rừng trong các ô mẫu, tạo ra một nguồn lực tại chỗ cho MRV và giảm chi phí trong hình thành tín chỉ các bon rừng...
Hy vọng những ý kiến của cá nhân sẽ giúp Tuyên Quang lựa chọn được cách đi phù hợp, thực hiện mục tiêu phát triển tín chỉ carbon rừng khi Việt Nam hình thành thị trường carbon, gia tăng thu nhập cho người làm rừng đồng thời đóng góp trách nhiệm với cộng đồng quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu.
Gửi phản hồi
In bài viết