Biến đổi khí hậu đã và đang trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động đến mọi mặt: kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Việt Nam đã cùng 140 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất, cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” (Netzero) vào năm 2050 và tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
CỤ thể hóa các cam kết này, Việt Nam đã khẩn trương bắt tay thực hiện các chương trình hành động, trong đó có việc ban hành Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Về vấn đề này, Báo Tuyên Quang thực hiện loạt bài viết 3 kỳ giới thiệu những bài học kinh nghiệm của Tuyên Quang sau gần 30 năm để đạt độ che phủ rừng 65% – một trong những nội dung quan trọng trong Tuyên bố Glasgow tại COP 26 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh; đồng thời giới thiệu những cách làm của tỉnh để tạo sinh kế dưới tán rừng, nâng cao đời sống người dân trồng rừng, vừa giữ rừng vừa thực hiện kinh tế tuần hoàn. Loạt bài viết cũng cung cấp một số dữ liệu về tiềm năng, giá trị to lớn của tín chỉ carbon rừng trong vai trò cung cấp nguồn lực để bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao đời sống người dân trồng rừng. Trên cơ sở khảo sát thực trạng của việc đưa tín chỉ carbon rừng thành hàng hóa tại Tuyên Quang và một số tỉnh có độ che phủ rừng lớn trong cả nước hiện nay, loạt bài chỉ ra những mâu thuẫn giữa tiềm năng tín chỉ carbon rừng của các địa phương có nhiều rừng với các quy định hiện hành. Từ đó khẳng định đó là sự lãng phí, bỏ lỡ cơ hội có thêm nguồn lực cho tăng trưởng xanh. Loạt bài viết cũng cung cấp dữ liệu về thị trường tín chỉ carbon rừng và mong muốn của các địa phương, các chủ rừng cùng với sự chuẩn bị cho thị trường này; đồng thời tham khảo ý kiến một số chuyên gia. Từ đó đề xuất việc cho Tuyên Quang và một số địa phương top đầu về rừng trong cả nước sớm được thí điểm thị trường tín chỉ carbon rừng, với các giải pháp cụ thể. Bởi khi đã có sự chuẩn bị kỹ, thì sớm được thí điểm thị trường carbon rừng chính là sớm tiếp cận nguồn lực mới cho tăng trưởng xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn, tăng thu nhập cho người trồng rừng; góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về phát triển bền vững và chống biến đổi khí hậu. Loạt bài được giới thiệu ngay trước thềm Hội nghị COP 28 sắp khai mạc tại Dubai ngày 30/11 tới đây; nhằm góp thêm tiếng nói về chống biến đổi khí hậu và thúc đẩy các quyết tâm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và đưa mức phát thải ròng về 0 (Netzero) vào năm 2050. ►Bài 1: Bài học giữ rừng và giúp dân sống nhờ rừng ►Bài 2: Tín chỉ carbon - Giá trị mới từ rừng ►Bài 3: Thí điểm thị trường carbon rừng - Tránh bỏ lỡ cơ hội |
Gửi phản hồi
In bài viết